Quá nhiều bất cập với đi chợ hộ
Cư dân nhiều phường, quận phản ánh gay gắt về chuyện không thể liên lạc được với hot line phụ trách đi chợ hộ trên địa bàn phường. Ngay như địa bàn phường nơi phóng viên viết bài đang cư trú, khi liên lạc với hot line đi chợ hộ cũng chỉ nhận được câu trả lời là: “Tầm khoảng 20 giờ tối nay (27/8) cháu mới mở group chợ online, mời cô vào đó đặt hàng, sẽ có người xử lý đơn hàng”.
Rất dễ hiểu tình cảnh “cháy máy”, “cháy đơn hàng”, “cháy hàng”, bởi vì một hot line phụ trách đi chợ hộ cho cả một tổ dân phố, nên trong group chợ online mà hot line này quản lý có khoảng hơn 500 hộ dân. Việc đáp ứng yêu cầu đặt hàng, tìm nguồn cung cấp hàng hoá thực phẩm đủ cho 500 hộ dân với hàng trăm đơn hàng mỗi ngày sẽ là điều không thể thực hiện nổi.
Combo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 4 thay thiết kế nhưng lượng đi chợ hộ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân |
Cư dân nhiều phường, quận, TP Thủ Đức cũng đã phản ánh muôn mặt khóc cười của chuyện đi chợ hộ. Có khu vực, vì phường đi chợ hộ nên chỉ có đủ năng lực cung cấp một thực đơn cho bà con ăn suốt 2 tuần không đổi. Khu vực khác, trong khi cán bộ phường phải chạy đôn đáo đi khắp nơi mua gom hàng hoá cho người dân, đến khi mua đủ, thì dân thông tin lại xin hủy đơn hàng vì đã mua được từ nguồn khác.
Thậm chí, có cảnh cán bộ phường khóc dở mếu dở lâm cảnh bị “bom” hàng khi đã ứng tiền mua hàng theo đơn của người dân nhưng khi mang giao thì dân lại trả lời là chỉ thử xem có được hỗ trợ thật không chứ chưa có nhu cầu mua?
Việc có hay không tình cảnh đi chợ hộ bị “bom” hàng, theo trao đổi giữa phóng viên VietTimes với một số lực lượng đi chợ hộ trên địa bàn TP.HCM là có thật. Tuy nhiên, cán bộ này cho biết đây cũng chỉ là sự cố ít gặp. Và vị cán bộ này đưa quan điểm nên thông cảm cho dân, vì trong lúc này mọi thứ rối quá nên lực lượng hỗ trợ của các phường phản ứng chậm, hơn nữa, cũng có giải pháp là trao lại combo đó cho một hộ dân khác có nhu cầu phù hợp.
Thực đơn rau củ quả, thực phẩm thiết yếu của quận Tân Bình |
Trao đổi với VietTimes, cán bộ trong lực lượng hỗ trợ đi chợ hộ cũng đề cập đến việc thanh toán là một khó khăn lớn trong thực tế đang cản trở quá trình cung ứng hàng hoá tới cho cư dân. Mô hình cán bộ phường hỗ trợ đi chợ hộ đang vấp phải việc phía nhà cung cấp không chịu cho nợ đọng lớn như vậy, vì mỗi đơn hàng mùa dịch đều có giá từ 500.000 đến vài triệu đồng. Mà cán bộ phường thì chắc khó có khả năng tạm ứng một số tiền khổng lồ để thoả mãn đơn hàng cho 500 hộ dân.
Tại sao không chuyển đổi số?
Trao đổi với VietTimes, một số ít các bà nội trợ quận Bình Thạnh cho hay đã treo phiếu chợ ngoài cửa, phường đến thu phiếu, đi chợ hộ theo yêu cầu ghi trên phiếu, bộ đội giúp chuyển thực phẩm đến nhà.
Tuy nhiên, các chuyên gia CNTT đưa ý kiến, giờ này còn bắt lực lượng chức năng quản lý mua hàng bằng phiếu vừa quá vất vả, dễ thất lạc thông tin, vừa không tận dụng được các tính năng tự động hoá? Tại sao không chuyển đổi số, đơn giản nhất là gửi google link cho bà con điền form yêu cầu hàng hoá, trên form có đầy đủ các thông tin về số lượng hàng, địa chỉ người mua để giao hàng, thông tin thanh toán chuyển khoản cho phường. Sau khi nhận được chuyển khoản của người dân, phường sẽ thực hiện đi chợ hộ, rồi bàn giao cho lực lượng vận chuyển để trao tới tay người dân?
“Hiện tại quân đội đang triển khai đi chợ giúp dân, nhưng việc này không đơn giản vì lượng đơn nhiều cũng như cần có 1 hệ thống quản lý vận hành, giao hàng tốt. Trong khi hệ thống giải pháp Cuccu của công ty chúng tôi đã chạy được và thời gian qua đã hỗ trợ tiêu thụ nhiều nông sản” – Đỗ Thắng đến từ một công ty cung cấp giải pháp hệ thống nền tảng công nghệ, Công ty CP Cuccu, đưa ý kiến.
Công ty CP Cuccu đề xuất một giải pháp công nghệ có tính tổng quát, bao gồm cả nền tảng quản lý, vận hành, từ lúc thu thập đơn hàng cho tới lúc giao hàng thành công tới tay người dân.
Bước 2: Bộ đội tạo link mua hàng |
Bước 3: Người dân mua hàng |
Bước 4: Hệ thống chốt đơn |
Bước 5: Chuẩn bị hàng theo đơn |
Quản lý hệ thống giúp kiểm soát nguồn hàng, hàng tồn, hàng đã giao |
Tuy nhiên, để xây dựng mô hình vận hành trên nền tảng số như đề xuất của Cuccu có quá lý tưởng và có thể khả thi trong lúc dịch bệnh hoành hành mạnh mẽ và toàn thành phố cách ly chặt chẽ?
Mô hình đi chợ hộ nhóm nhỏ khả thi hơn
Thực tế, theo phản ánh của cư dân, lực lượng đi chợ hộ ở nhiều phường của quận 4 chưa thể đáp ứng được đơn hàng của người dân sinh sống tại đây. Nhưng, tại một số khu chung cư trên địa bàn phường 1, điển hình như chung cư Vạn Đô thì lại đang duy trì nhóm Hỗ trợ thực phẩm Vạn Đô vận hành rất tốt. Theo quan sát của phóng viên, người dân sống tại đây được đáp ứng các đơn hàng đi chợ hộ từ nhóm này rất nhanh, giá cả hợp lý.
Trả lời phỏng vấn của VietTimes, bà Dương Thị Hiển – Trưởng Ban Quản lý chung cư Vạn Đô (phường 1, quận 4, TP.HCM) cho biết: “Nhóm Hỗ trợ thực phẩm Vạn Đô đã được thành lập từ đầu mùa dịch chứ không phải mới vừa phát sinh. Chúng tôi đã tiếp cận được với nhiều nhà cung cấp chứ không phụ thuộc vào các siêu thị trong khu vực, nên gom được nhiều mặt hàng khác nhau để phục vụ nhu cầu của cư dân. Cũng có những mặt hàng có độ trễ từ 2-3 ngày hoặc hàng hết thì buộc phải chuyển tới người dân những thứ tương tự”.
Thực phẩm tươi sống được cung cấp thành công tới nhiều hộ dân trong ngày 27/8 tại Chung cư Vạn Đô |
Để phục vụ cho khoảng 300 căn hộ (có khoảng 1.000 người dân đang cư trú) tại chung cư Vạn Đô, bà Dương Thị Hiển cho hay, phía Ban Quản lý đã huy động khoảng 10 nhân sự lên đơn, chốt đơn cho người dân, chia hàng hoá vào các bịch khác nhau theo đơn; 10 nhân sự khác phụ trách tìm nguồn hàng từ nhiều nơi khác nhau, một đội ngũ tài xế khoảng 10 người đi nhận hàng; khoảng 10 nhân sự bảo vệ chia theo giờ trực khác nhau để liên tục vận chuyển hàng hoá tới các tầng, bàn giao tới tận từng căn hộ. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ từ hàng chục nhân sự khác trong Ban Quản trị chung cư và các hộ dân.
Khi người dân đặt hàng từ Ban Quản lý chung cư hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, sẽ có tâm lý yên tâm hơn, sẵn sàng chuyển khoản trước (nếu được yêu cầu). Ban Quản lý và các đơn vị vận hành toà nhà chung cư cũng là một đơn vị đủ lớn để ứng trước kinh phí mua hàng đi chợ hộ người dân. Còn khi hàng đã giao tới hộ dân, đương nhiên Ban Quản lý thu được tiền từ hộ dân đó nên không sợ cảnh lâm phải nợ khó đòi.
“Mô hình này được chúng tôi duy trì đầu tiên ở chung cư Vạn Đô, phường 1, quận 4, sau đó, thấy hoạt động đi chợ hộ này khá ổn định, chúng tôi đã triển khai được cùng mô hình hỗ trợ thực phẩm này ở một số chung cư khác nữa do Công ty KhaService đang quản lý vận hành” – Bà Dương Thị Hiển cho hay.
Để góp ý tới các nhóm đi chợ hộ thoả mãn nhu cầu của cư dân ở phạm vi lớn hơn trên toàn phường, bà Dương Thị Hiển đưa ý kiến: “Nên bán theo combo chứ bán lẻ sẽ không làm nổi. Phường nên treo thông báo để người dân thanh toán trước rồi hãy đáp ứng đơn hàng”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu