Điều trị F0 tại nhà gắn với túi thuốc an sinh
Thông tin tại buổi họp báo sáng 16/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại TP.HCM, số ca mắc mới tiếp tục tăng cao, cùng với đó là tăng số ca có dấu hiệu chuyển nặng và tỷ lệ tử vong cũng chưa có dấu hiệu dừng lại; Hệ thống y tế của thành phố trong tình trạng quá tải.
Thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế có hướng dẫn về gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, triển khai đến các bệnh viện công lập và ngoài công lập, các bệnh viện thu dung điều trị COVID, các cơ sở cách ly …
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trương thí điểm xây dựng hướng dẫn “gói chăm sóc sức khỏe tại nhà” cho F0 không triệu chứng có vai trò rất quan trọng; tạo tâm lý thoải mái cho người mắc F0, điều trị kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng, góp phần kéo giảm số ca tử vong, đồng thời giúp giảm tải bệnh viện.
Gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 có 6 hoạt động chính: (1) Xác định và lập danh sách người F0 cách ly tại nhà; (2) Hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; (3) Khám bệnh và theo dõi sức khỏe; (4) Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà; (5) Xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà; (6) Tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà.
Vaccine được tiêm như thế nào?
Tiêm vaccine Verocell cho người dân quận Tân Bình. Ảnh: HCDC |
Về vaccine COVID-19, ông Dương Anh Đức cũng cho hay, tính đến nay, tổng số liều vaccine TP.HCM nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế là 4.432.240 liều, trong đó có 3.616.050 liều vắc xin AstraZeneca, 19.000 liều Verocell, 54.990 liều Pfizer và 571.200 liều vắc xin Moderna.
Ngoài ra, thành phố nhận được nguồn tài trợ 2.000.000 liều Verocell (trong đó, 1.000.000 liều đã được kiểm định và triển khai tiêm cho người dân những ngày qua và 1.000.000 liều đang chờ Bộ Y tế thẩm định chất lượng).
Tính từ đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 đến nay đã tiêm 4.603.351 mũi (mũi 1: 4.459.794, mũi 2: 143.557), trong đó: mũi tiêm Vero Cell 158.966; số người trên 65 tuổi và người có bệnh nền: 492.488 người; số người có phản ứng thông thường sau tiêm 30 phút: 2.871 người.
Hiện có 4 địa phương gồm huyện Cần Giờ, quận 5, quận 11, quận Phú Nhuận cơ bản đã phủ kín vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên. Thời gian tới, các quận - huyện tiếp tục rà soát và tiếp cận số ít người còn lại để hoàn thành 100% người dân tiêm mũi 1 và triển khai tiêm mũi 2.
“Vaccine COVID-19 cần thời gian để phát huy tác dụng trong cơ thể, vì vậy, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” – ông Dương Anh Đức chia sẻ.
Khám sàng lọc trước tiêm vaccine. Ảnh: HCDC |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khi xây dựng các gói hỗ trợ, TP hướng đến các đối tượng cụ thể theo tình hình thực tế. Có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0. Trong đó, thành phố xây dựng gói hỗ trợ để người dân duy trì cuộc sống từ 3 - 7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh.
“Tuy nhiên, TP.HCM là địa phương có quy mô lớn, dân số đông. Việc tiếp cận đây đủ các đối tượng cần hỗ trợ là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và cả từ người dân. Đặc biệt, hệ thống cơ sở là quan trọng nhất để rà soát, nắm bắt kịp thời và triển khai đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cho hay, vẫn đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành bằng những kế hoạch cụ thể, đảm bảo an toàn để hỗ trợ đưa người dân về quê. Đồng thời, chăm lo cho người dân yên tâm ở lại TP.HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa bàn đã có chuyển biến tích cực rõ rệt với các “vùng xanh”. Do đó, trong thời gian tới, TP quyết tâm giữ vững các kết quả đạt được, tăng phủ “vùng xanh”, giảm “vùng cam”, “vùng đỏ”; tùy theo tình hình thực tế tại mỗi địa phương để áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc sống người dân. Nhưng tinh thần trên hết vẫn phải đảm bảo an toàn với dịch bệnh.
“Vùng xanh” được thiết lập dựa trên thống kê số lượng ca mắc COVID-19, mức độ phủ vaccine, kết quả công tác phòng chống dịch của từng địa bàn để quyết định.
Hiện nay, mục tiêu chống dịch được đẩy lên cao nhất, cùng với việc duy trì “mục tiêu kép” trong khả năng có thể theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM
Điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: HCDC |
Chuyển chiến lược điều trị 5 tầng thành 3 tầng
Liên quan đến chiến lược điều trị COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, TP tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên cơ sở phù hợp tình hình thực tế để đảm bảo năng lực y tế hiện tại nhằm đạt kết quả tốt nhất. Vì vậy TP.HCM chuyển đổi từ 5 tầng xuống 3 tầng như trước đây.
Tầng 1: Triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh và tại các cơ sở cách ly tập trung của quận - huyện, TP Thủ Đức cho các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Hiện nay, có 18.120 F0 đang cách ly tại nhà, 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận – huyện và TP Thủ Dức với tổng số 23.898 giường.
Tầng 2: Tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền tại các bệnh viện (BV) dã chiến và các BV điều trị COVID -19, các bệnh viện chuyển đổi công năng... TP hiện có 74 BV điều trị COVID-19 gồm 24 BV dã chiến (15 BV cấp TP, 8 BV quận - huyện), 41 BV đa khoa và 9 BV Trung ương với tổng số 49.392 giường.
Tầng 3: Hồi sức chuyên sâu các trường hợp F0 nặng, nguy kịch tại các BV tuyến cuối của TP và Bộ Y tế tăng cường cho TP. Hiện có 8 BV hồi sức COVID-19 (BV Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, BV Quân y 175 và 5 Trung tâm hồi sức quốc gia) với tổng số 3.882 giường.
Liên quan đến thông tin, một số phòng khám tư nhân có gói dịch vụ chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế cho biết hiện chưa có thông tin cụ thể.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Anh Đức cho biết, hiện nay, hệ thống y tế tư nhân đã và đang tham gia tích cực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch của TP.HCM. Về chủ trương, nếu như các gói này tuân thủ đúng quy định pháp luật, phù hợp giá cả và hướng dẫn của ngành y tế về chuyên môn, đề nghị Sở Y tế kiểm tra thực tế, nghiên cứu, tham mưu cụ thể để hỗ trợ theo nhu cầu của người dân.