Duy trì hoạt động sản xuất nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao
Theo công bố của Bộ Y tế, số ca bệnh tại TP.HCM tính đến sáng hôm nay 14/7 đã là 17.200 bệnh nhân. Với tình hình số ca nhiễm vẫn tăng mạnh, trung bình từ 1.300 đến 1.700 bệnh nhân/ 1ngày, đều là 4 con số, kể từ hôm 9/7 bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn TP đến nay. TP.HCM sẽ chống đỡ với giai đoạn tiếp theo thế nào?
Hôm thứ 2 đầu tuần, công chúng ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh hàng ngàn cán bộ công nhân kẹt lại trước chốt chống dịch vì kiểm tra giấy tờ Xét nghiệm âm tính với COVID-19. Nhiều bác sĩ đã lên tiếng phân tích việc này, cho thấy giấy Xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị tại thời điểm xét nghiệm. Người âm tính với COVID-19 tại thời điểm xét nghiệm vẫn có thể nhiễm ngay sau đó, hoặc nhiễm trước đó nhưng ở lần xét nghiệm gần nhất chưa thể hiện kết quả này. Tập trung cả ngàn người ở nơi công cộng như thế, nguy cơ tiếp tục lây lan dịch bệnh là cực kỳ cao.
Để nhanh chóng giải toả đám đông, ngày hôm qua thứ 3, giải pháp được TP.HCM đưa ra là bỏ mấy trăm chốt chống dịch trên toàn TP, người đi lại trong nội đô nếu phải ra đường vì nhu cầu thiết yếu, hoặc đang tham gia sản xuất, có Giấy xác nhận công tác của cơ quan chủ quản, thì không cần Xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Quyết định này làm dấy lên lo ngại, cho rằng trong đám đông hàng ngàn người, mà có thể là hàng triệu người đang đổ ra ngoài phố mỗi ngày, để đến các cơ quan, nhà máy, công sở, không chắc chắn rằng, tất cả hàng triệu người đó đều đang vì nhu cầu thiết yếu, hoặc tham gia sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho đời sống vùng tâm dịch. Nếu muốn biết chính xác điều này, chỉ cần kiểm tra Giấy xác nhận công việc của người ra đường sẽ rõ.
Một công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận, chị P. mặc nguyên đồng phục khi đi xét nghiệm và lúc đã được cách ly tại BV Dã chiến Củ Chi - Ảnh: NVCC |
Lnh đạo thành phố cho biết, có 42/128 doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) đăng ký phương án vừa cách ly, vừa sản xuất. Những doanh nghiệp này đã chuẩn bị nhiều khu đất trống, nhà xưởng chưa sử dụng để phục vụ công nhân ăn, ở, sinh hoạt.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, về mức độ ứng phó với dịch bệnh, trên địa bàn TP.HCM hiện có 3 nhóm doanh nghiệp. Thứ nhất, những doanh nghiệp sẵn sàng vừa sản xuất, vừa cách ly. Thứ hai, những doanh nghiệp có nhu cầu duy trì sản xuất ở mức độ nhất định, tuy nhiên khó khăn là kiểm soát quá trình di chuyển của công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc an toàn. Thứ ba, là những doanh nghiệp dừng hoạt động hoàn toàn trong thời gian cách ly xã hội.
Tuy nhiên, từ trường hợp Khu chế xuất Tân Thuận với hàng trăm ngàn công nhân đã phải ngừng hoạt động vì xét nghiệm tầm soát phát hiện "ổ dịch" tới 275 F0, có thể thấy, việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất không thiết yếu là cực kỳ nguy hiểm cho công tác chống dịch ở thời điểm hiện tại.
Từ dữ liệu gần 1.400 người có triệu chứng đang làm việc tại các KCN, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM, hoàn toàn có thể thấy vấn đề cấp bách nhất hiện nay là tính mạng con người chứ không phải an toàn sản xuất.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm giám sát tại Khu chế xuất Tân Thuận phát hiện 275 F0. Ảnh: Trung tâm Y tế Quận 7 |
Dừng các doanh nghiệp không đủ điều kiện từ 0 giờ ngày 15/7
Chiều tối ngày 13/7, UBND TP.HCM cũng đã ra văn bản khẩn số 615, thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM, về việc cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP khi đảm bảo một trong 2 trường hợp: vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ”; doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Ngoài ra còn phải thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày 1 lần, tự chi trả chi phí. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động kể từ 0 giờ ngày 15/7 đến khi có chỉ đạo mới.
Chỉ đạo này của lãnh đạo UBND TP.HCM là hoàn toàn chính xác và cấp bách, ưu tiên cho công tác chống dịch, đặc biệt là trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách toàn thành phố như hiện tại. Nếu không dừng các doanh nghiệp mà phần lớn là sản xuất không thiết yếu nhưng lại không đảm bảo điều kiện phòng dịch, không tự cách ly tại chỗ mà vẫn đi lại, dịch chuyển khắp nơi thì liệu TP.HCM có chống dịch nổi không?