TPHCM đề nghị hai Bộ liên thông dữ liệu: Bao giờ mới có phương án dùng một phần mềm thống nhất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thực tế cho thấy, người dân quá mệt mỏi vì cùng lúc duy trì nhiều phần mềm quản lý dữ liệu phòng, chống dịch COVID-19. Bao giờ mới có phương án thống nhất?
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan có công văn về việc liên thông kết nối dữ liệu phần mềm quản lý COVID-19
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan có công văn về việc liên thông kết nối dữ liệu phần mềm quản lý COVID-19

TP.HCM đề nghị các Bộ liên thông dữ liệu

Mới đây, UBND TP.HCM có công văn số 3031/UBND-VX về việc liên thông kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiêm chủng COVID-19 với phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công an.

Cụ thể, công văn do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký, nêu các nội dung căn cứ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và mới nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kết nối phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công an với phần mềm quản lý An sinh – xã hội, tiêm chủng COVID-19.

UBND TP.HCM đã gửi văn bản tới Bộ Công an về việc liên thông, kết nối dữ liệu các phần mềm này để các đơn vị trực thuộc chuẩn bị dữ liệu liên quan. Tuy nhiên, dữ liệu danh sách người được tiêm vaccine phòng COVID-19 lại đang có trên Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế và Bộ Thông tin & Truyền thông quản lý.

“UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông đồng thuận chủ trương kết nối và chỉ đạo Tập đoàn Viettel cung cấp danh sách người được tiêm phòng COVID-19 (mũi 1, mũi 2) từ Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; hỗ trợ UBND TP.HCM trong việc thực hiện kết nối các nguồn dữ liệu giữa Hệ thống quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia đảm bảo yêu cầu về tính chính xác, bảo mật” – Trích nội dung Công văn số 3031.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu ý kiến rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông.

Chứng nhận điện tử đã tiêm phòng COVID-19

Chứng nhận điện tử đã tiêm phòng COVID-19

Quá nhiều phần mềm quản lý dữ liệu chống dịch

Thực tế là, người dân phải download về điện thoại và cùng lúc sử dụng khá nhiều phần mềm quản lý dữ liệu phòng, chống dịch COVID-19 như App nCoV; nền tảng tokhaiyte.vn; BlueZone; Y tế HCM (đối với người dân đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM); App quản lý di biến động dân cư…

Ngoài ra, riêng dữ liệu về tiêm chủng vaccine COVID-19 thì được cập nhật trên nền tảng Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong đó có Sổ sức khoẻ điện tử, do Bộ Y tế và Bộ Thông tin & Truyền thông đang triển khai. Tuy nhiên, nền tảng này được triển khai không đồng bộ tại nhiều địa phương, cho nên tại nhiều vùng dịch, số liệu chưa được cập nhật kịp thời. Hàng triệu người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 nhưng vẫn chưa nhận được chứng nhận điện tử trên Sổ sức khoẻ điện tử; hoặc đã tiêm 2 mũi nhưng lại chỉ được chứng nhận đã tiêm 1 mũi.

Về tình hình cập nhật dữ liệu tiêm vaccine COVID-19 lên các nền tảng quản lý dữ liệu, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM cho hay, đã có yêu cầu các đơn vị phải cập nhật hoàn tất trước ngày 6/9 nhưng thực tế là cho đến nay vẫn còn nhiều phản ánh liên quan tới việc người dân đã tiêm vaccine nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai.

Xác nhận tiêm chủng trên Sổ sức khoẻ điện tử chưa chính xác, trường hợp này đã tiêm đủ 2 mũi nhưng trên SSKĐT vẫn chỉ thể hiện đã tiêm Mũi 1. Ảnh: Hoà Bình
Xác nhận tiêm chủng trên Sổ sức khoẻ điện tử chưa chính xác, trường hợp này đã tiêm đủ 2 mũi nhưng trên SSKĐT vẫn chỉ thể hiện đã tiêm Mũi 1. Ảnh: Hoà Bình

Ngoài ra, còn có cả trường hợp người dân kiểm tra có lúc thì trên App hiển thị chưa tiêm mũi nào, lúc thì hiển thị là đã tiêm 1 mũi. Có trường hợp tiêm đủ 2 mũi có lúc hiển thị đủ thông tin nhưng cũng có lúc không hiển thị bất cứ thông tin gì. Tình trạng này dẫn dến lo ngại là lúc cần để cơ quan chức năng kiểm tra, có thể App Sổ sức khoẻ điện tử lại bị lỗi, dẫn đến quyền lợi của người dân sẽ bị thiệt thòi, hoặc tiếp tục gây ùn tắc tại các chốt kiểm dịch. Mối lo ngại này càng dấy lên khi sắp tới có thể TP.HCM sẽ áp dụng chế độ quản lý cư dân theo Thẻ xanh, Thẻ vàng COVID-19.

Trả lời về hướng xử lý của TP.HCM trước thực tế nói trên, ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết: “Thời gian vừa qua, các đơn vị tổ chức tiêm vaccine COVID-19 đã tích cực tổ chức cập nhật dữ liệu tiêm vaccine vào Hệ thống quản lý tiêm vaccine phòng COVID-19 Quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, có việc người dân đã tiêm vaccine nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai. Khi đó người dân có thể chủ động phản ánh, đề nghị bổ sung, điều chỉnh tại mục “Phản ánh thông tin” trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn”

“Để xử lý đầy đủ các phản ánh, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức huy động lực lượng công nghệ thông tin để hỗ trợ tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cũng như các phản ánh của ngưởi dân đã gửi về HCDC. Việc này không ảnh hưởng lộ trình cấp Thẻ xanh COVID-19 theo kế hoạch chung của thành phố” – Ông Từ Lương khẳng định.

Thực tế là, người dân đang quá mệt mỏi về việc cài đặt quá nhiều App (ứng dụng) liên quan đến khai báo y tế, phòng chống dịch COVID-19. Trước mong muốn có một ứng dụng dùng chung tích hợp toàn bộ thông tin từ xét nghiêm, tiêm chủng, quản lý F0, giấy đi đường và cả Thẻ xanh COVID sắp tới. Vậy TP.HCM có định hướng triển khai 1 ứng dụng mới không, hoặc liên thông dữ liệu từ các phần mềm để người dân lựa chọn phần mềm nào cũng được?

Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết: “Thành phố đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Để thực hiện điều này, Thành phố đã phối hợp Bộ Thông và Truyền thông, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và Thành phố (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử, tiêm chủng; đồng thời đề xuất liên thông với các ứng dụng của các bộ, ngành”.

Ông Từ Lương cho biết thêm, Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của Thành phố (“Y tế HCM”) thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng, chống dịch. Trong đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.