Viện trưởng Viện IPS: Cần một “nhạc trưởng” điều hành, quản lý "ngôi nhà chung" dữ liệu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ thực tế hiện nay có nhiều phần mềm khai báo y tế chưa thống nhất dữ liệu, gây khó cho người dân, nhiều ý kiến đã được đề xuất nhằm hướng tới tài nguyên dữ liệu dùng chung khách quan, hướng tới Chính phủ số.
Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).
Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).

Phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) – về quản lý dữ liệu y tế và di biến động dân cư

- Hiện nay, được biết có nhiều phần mềm khai báo y tế khác nhau đang được sử dụng phục vụ công tác truy vết, phòng chống dịch. Trên thực tế, người dân đang gặp khó khi sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng, đặc biệt đối với nhóm người cao tuổi và những người ít có cơ hội tiếp cận công nghệ. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Trong giai đoạn chống dịch COVID-19 vừa rồi, công nghệ đã đóng vai trò tích cực, hỗ trợ rất nhiều cho Chính phủ trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên, thực tế có nhiều phần mềm khai báo y tế hoặc các cổng khai báo khác nhau cũng gây khó cho người dân ở một số yếu tố như sau:

Thứ nhất, người dân theo yêu cầu của từng đơn vị, điểm đến có thể phải cài nhiều ứng dụng khác nhau để sử dụng. Thứ hai, đối với những người lớn tuổi, những người không thạo công nghệ thì khai báo nhiều dạng khác nhau cũng sẽ gặp khó khăn khi thao tác. Thứ ba là đối với các cơ quan quản lý, mặc dù có nhiều ứng dụng tuy nhiên vẫn có trường hợp phải khai báo bằng tay. Chưa kể, mỗi cơ quan lại sử dụng một phần mềm khác nhau.

Cá nhân tôi đã từng trải nghiệm việc khai báo y tế qua nhiều ứng dụng trong cùng một ngày nên cũng hiểu phần nào những khó khăn vướng mắc của người dân. Điều này chứng tỏ chưa có sự liên thông hệ thống dữ liệu với nhau, vừa làm khó người dân vừa làm khó các cơ quan quản lý. Điều này đặt ra vấn đề rằng, có lẽ giai đoạn tới cần hướng tới giảm bớt một số ứng dụng, nhằm đơn giản hóa, thuận tiện cho người dân và các cơ quan quản lý.

- Theo ông, việc liên thông dữ liệu y tế với CSDLQG về dân cư có những ưu điểm gì? Để gỡ khó và tạo thuận lợi cho người dân trong việc khai báo y tế, ông quan điểm thế nào về việc tích hợp chung các phần mềm khai báo vào cùng một hệ thống?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Về mặt dài hạn, rõ ràng việc liên thông cơ sở dữ liệu giữa khai báo y tế và CSDLQG về dân cư như giúp ích rất nhiều cho việc xác thực danh tính và thông tin khai báo có tính xác thực cao hơn. CSDLQG về dân cư là cơ sở dữ liệu gốc, chứa thông tin về danh tính gốc của công dân. Khi tích hợp với các dữ liệu về mặt khai báo y tế sẽ giúp các cơ quan quản lý thuận lợi trong việc khai thác và sử dụng các giá trị dữ liệu. Xét về tầm nhìn dài hạn, tôi rất ủng hộ việc có nền tảng để đưa thông tin và một hệ thống đồng nhất, phục vụ khai thác được những giá trị về mặt thông tin cho cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, vấn đề của hiện tại là các thông tin đã được thu thập nhưng hiệu quả sử dụng tôi cho rằng có thể chưa cao. Việc gắn với danh tính từng cá nhân cụ thể cũng như khai thác giá trị sử dụng chưa đạt được kết quả tối ưu. Vì vậy sự tích hợp này giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể khai thác tốt hơn, xác thực tốt hơn sử dụng tốt hơn đối với những dữ liệu này.

- Ở góc độ chính sách, việc triển khai đồng bộ, liên thông cần những quy trình nào để phát huy tối đa hiệu quả, thưa ông? Điều này cần sự vào cuộc của những cơ quan nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Vấn đề liên thông dữ liệu đã đặt ra từ rất nhiều năm trước rồi. Bản thân chúng tôi cũng đã có những khuyến nghị về mặt chính sách về mặt dữ liệu liên thông. Trong giai đoạn phòng chống COVID-19, các ứng dụng công nghệ thông tin đã có khuyến nghị cần phải chuẩn hóa các thông tin thu thập, nên đưa vào hệ thống dữ liệu. Tuy nhiên, về phía các cơ quan nhà nước hiện đang thiếu một đầu mối để điều chỉnh. Tôi cho rằng điều này nên làm càng sớm càng tốt, càng sớm thì sẽ càng có lợi. Để làm được việc đó, cần đặt ra được những quy chuẩn về mặt dữ liệu. Theo tôi, có thể sử dụng nhiều ứng dụng đồng thời cũng được tuy nhiên những thông tin thu thập phải thông nhất chuẩn dữ liệu. Khi đó, dữ liệu sẽ được đổ vào cơ sở dữ liệu thống nhất để khai thác dễ hơn.

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chưa có định hướng rõ ràng và nhất quán từ một đầu mối là một cơ quan của Chính phủ để điều phối. Vấn đề này dẫn đến đến tình trạng các ban ngành dù có thảo luận rất nhiều nhưng đang theo những đường lối riêng rẽ.

Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên và trước hết là phải xây dựng một chuẩn dữ liệu thống nhất, sau đó đưa các dữ liệu về một nguồn, từ đó xây dựng các phương án về mặt khai thác, tối ưu hóa các dữ liệu thu thập được của người dân.

Viện trưởng Nguyễn Quang Đồng trả lời phỏng vấn VietTimes.

Để tiến tới thống nhất và kết nối được dữ liệu, tôi cho rằng Chính phủ cần phải có một cơ quan quản lý riêng về mặt dữ liệu, đóng vai trò như một “nhạc trưởng” điều phối tiến trình này. Thực tế, hiện tại chúng ta chứng kiến rất nhiều bộ ngành cùng tham gia vào quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu như Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp…chưa kể đến cơ sở dữ liệu riêng của các tỉnh. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu thống nhất mà chúng ta đang hướng tới mang tính quốc gia. Vì vậy cần một đầu mối mang tính quốc gia để điều phối toàn bộ tiến trình, tránh bị phân mảnh.

Theo tôi, việc xác định vai trò điều phối nên được Chính phủ ưu tiên trong thời gian ngắn hạn 1-3 năm tới. Bởi trong giai đoạn 3-5 năm vừa qua, chúng ta đầu tư khá nhiều cho việc thu thập và xây dựng các cơ sở dữ liệu nhưng chưa có một cơ quan điều phối thống nhất giữa liên bộ ngành. Cơ quan này cũng đóng vai trò về mặt chính sách, xác lập các chiến lược, tiêu chuẩn về mặt dữ liệu, từ đó đảm bảo được hiệu quả về khai thác và sử dụng dữ liệu một cách cách cao nhất có thể.

Nếu như có một cơ quan quốc gia đứng ra quản lý, quản trị dữ liệu trực thuộc Văn phòng Chính phủ, tôi cho rằng đó là một đầu mối khách quan, phù hợp để có một thiết chế điều phối cấp liên bộ, liên ngành. Từ đó có thể xác lập các chuẩn mực, xác lập hệ thống dữ liệu quốc gia, xác lập các chiến lược để khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu. Tôi cho rằng, khi có “nhạc trưởng” này, hiệu quả khai thác dữ liệu cũng sẽ đảm bảo tốt hơn, tiến trình thực thi nhanh hơn. Tương tự, cấp tỉnh hiện nay cũng gặp phải tình trạng phân tán dữ liệu giữa các đơn vị. Tôi đề xuất các tỉnh cũng nên có một bộ phận, cơ quan về mặt dữ liệu thuộc UBND tỉnh để điều phối toàn bộ tiến trình.

Song song việc xây dựng, cần bảo mật tối đa cho “ngôi nhà chung” dữ liệu

- Nếu coi hệ thống dữ liệu là một ngôi nhà, các phần mềm khai báo là cửa, vậy nên tích hợp thành một cửa lớn hay vẫn giữ nhiều cửa khai báo như hiện tại nhưng được đồng bộ, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Hệ thống dữ liệu thực chất là một “ngôi nhà chung” có rất nhiều cửa để đưa dữ liệu vào. Tuy nhiên, tôi cho rằng một ngôi nhà tốt nhất nên có một cửa chính và một vài cửa phụ, càng đơn giản thì càng dễ sử dụng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay có rất nhiều phần mềm, ứng dụng trong bối cảnh chưa có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối, nền tảng thì kịch bản lý tưởng tôi cho rằng Chính phủ cần tính đến thành lập một cơ quan điều phối duy nhất, hướng đến một cơ sở dữ liệu dùng chung duy nhất.

Quá trình này cần một bước chuyển tiếp. Bước chuyển này là vẫn duy trì các cửa cửa khai báo như hiện tại, trong đó cần chuẩn hóa các thông tin khai báo để đưa về trường dữ liệu thống nhất. Sau khi có dữ liệu đồng bộ sẽ từng bước cắt giảm những ứng dụng có các phần chức năng trùng nhau, số lượng người dùng ít… Theo đó, cần thời gian triển khai từng bước theo lộ trình để chuyển đổi về một hoặc hai cửa, tạo thuận lợi và đơn giản hóa cho người dân chứ không lập tức dừng hoạt động bất cứ ứng dụng nào.

- CSDLQG về dân cư và dữ liệu khai báo y tế đều là những thông tin cá nhân quan trọng. Xin ông chia sẻ một số đề xuất về chính sách bảo mật những dữ liệu này khi toàn hệ thống được liên thông, đồng bộ, tạo thành bigdata, hướng tới phát triển chính phủ số?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Dữ liệu là một nền tảng rất quan trong. Nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 vừa rồi, chúng ta đã thấy tầm quan trọng của dữ liệu trong việc dự báo, truy vết người bệnh, hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch. Vì thế, song song với định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu cần quan tâm đến một vấn đề đặc biệt quan trọng, đó là bảo vệ dữ liệu.

Các dữ liệu liên quan đến cá nhân là các dữ liệu mang tính nhạy cảm cao. Hơn nữa, dữ liệu liên quan đến sức khỏe của người dân được xếp vào dạng dữ liệu đặc biệt nhạy cảm, đặc biệt quan trọng. Nếu để xảy ra những vụ rò rỉ, lộ lọt dữ liệu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân. Một khi người dân không tin Chính phủ có thể bảo vệ dữ liệu của họ thì thì mức độ hợp tác cung cấp thông tin của người dân cho Chính phủ sẽ bị hạn chế. Do đó, song song với việc triển khai về mặt kỹ thuật để đồng bộ dữ liệu thì Chính phủ cần phải quan tâm đến việc bảo vệ những cơ sở dữ liệu quan trọng để tránh bị tấn công, đánh cắp.

Tôi cho rằng, về mặt ngắn hạn, Chính phủ cần gấp rút hoàn thiện chính sách về khâu này qua hai bước. Bước thứ nhất là đề ra những quy định, chính sách chặt chẽ hơn về sử dụng dữ liệu, ràng buộc những bên tham gia vào quá trình thu thập dữ liệu phải có những cam kết chặt chẽ về bảo mật. Thứ hai là phải có những giải pháp về mặt kỹ thuật để bảo vệ dữ liệu. Chính phủ thuê dịch vụ kiểm toán an ninh mạng là bên thứ 3 độc lập để kiểm soát rủi ro về mặt dữ liệu. Kiểm toán an ninh mạng cũng là bước vô cùng cần thiết, giúp rà soát về mặt kỹ thuật có lỗ hổng an ninh hay không, về mặt quy trình thu thập và xử lý dữ liệu có khả năng rò rỉ hay không.

Một quy trình chính sách và pháp lý chặt chẽ quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các bên tham gia trong tiến trình thu thập dữ liệu, từ cơ quan nhà nước, các nhà thầu cung cấp dịch vụ đến các đơn vị cá nhân triển khai là điều cần thiết. Từ đó sẽ hạn chế rò rỉ dữ liệu. Đồng thời, khâu kiểm toán an ninh mạng từ một bên thứ ba sẽ tăng độ tin cậy, tăng độ thuyết phục về bảo vệ dữ liệu đối với người dân, từ đó người dân sẽ có niềm tin để cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước.

­- Xin cảm ơn ông!