Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, mỗi năm thành phố sẽ chi 180 tỷ đồng để đào tạo bồi dưỡng cho khoảng hơn 194.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số lượng dự kiến, có thể thay đổi, bổ sung, điều chỉnh theo thực tế hàng năm.
Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp và khối nhà nước của TP. Kinh phí đào tạo từ ngân sách TP và các nguồn tài trợ, học bổng, kinh phí tự túc của cá nhân, cơ quan, đơn vị, trong đó kinh phí từ ngân sách gần 900 tỉ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 194.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó đào tạo trong nước sẽ có 21.600 lượt về lý luận chính trị; 21.700 lượt về quản lý nhà nước theo ngạch công chức và các lớp bồi dưỡng kiến thức theo chức danh nghề nghiệp; hơn 142.300 lượt về chuyên môn, nghiệp vụ; 3.000 lượt về ngoại ngữ (tiếng Anh).
Về đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài, dự kiến sẽ có 4.820 lượt bồi dưỡng ngắn và dài hạn; 4.320 lượt bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực từ ngân sách TP; 500 lượt thuộc các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ nguồn học bổng, tài trợ của đối tác nước ngoài.
Ngoài ra trong giai đoạn này, TP có các chương trình đào tạo cán bộ trẻ; tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ...
Một trong những nhu cầu đặt ra là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học ở trong nước và nước ngoài (sinh học phân tử động, thực vật; di truyền chọn tạo giống cây trồng; vắc xin, protein tái tổ hợp; công nghệ sinh học môi trường; công nghệ vi sinh; công nghệ sinh học thủy sản…).
Đào tạo đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ tin học, điện tử… phục vụ quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng, khai thác các chương trình phần mềm ứng dụng trong quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải, vận tải hành khách công cộng, đường sắt đô thị, đường thủy, đường cao tốc, hầm ngầm, cầu vượt trên cao...