TP.HCM biên soạn Sách giáo khoa riêng

Chủ trương khi biên soạn là làm sao giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn và ứng dụng kiến thức vào cuộc sống đối với học sinh.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, cho biết sau khi tổ chức khai giảng, hội đồng biên soạn sách giáo khoa (SGK) của TP sẽ họp để tính toán từng công đoạn, nhiệm vụ trong đề án. “Chủ trương thì đã có nên sở sẽ chuẩn bị từng bước chứ không thể ngồi chờ khi có chương trình khung mới bắt đầu. Dự kiến trong 2 năm nữa, học sinh (HS) TP.HCM sẽ được sử dụng SGK riêng” - ông Hoàng nói.

Phù hợp thực tiễn, bám sát chương trình quốc gia

Trong hội nghị tổng kết năm học ngành GD-ĐT TP.HCM vừa qua, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết chủ trương khi biên soạn SGK riêng của TP xuất phát từ yếu tố có một bộ sách phù hợp với thực tiễn TP nhưng vẫn bám sát chương trình khung quốc gia. Chủ trương này đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Trước đó, TP.HCM đã đưa vào thử nghiệm các sách tài liệu dạy học vật lý ở lớp 6, 7, 8, sau đó là môn toán. Theo các tác giả biên soạn, chủ trương khi viết sách là làm sao giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống. Muốn thế, ngoài hình thức trình bày hấp dẫn, trực quan sinh động, cách diễn giải cũng phải dễ hiểu.

Ông Trần Đức Huyên - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong những người trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu dạy học môn toán - cho biết yếu tố quan trọng nhất khi biên soạn sách là tính ứng dụng và tích hợp. Chẳng hạn khi học về đo lường, HS còn được mở rộng và tích hợp kiến thức về địa lý như đo mực nước biển, tìm hiểu về biển đảo quê hương.

Một giáo viên dạy vật lý tại quận 3 cho hay tính ứng dụng của cuốn tài liệu dạy và học môn vật lý rất cao. Đơn cử như khi học về đo độ dài, sách của Bộ GD-ĐT yêu cầu tìm thước đo phù hợp thì sách của sở hướng dẫn ngoài thước đo có thể dùng vật gì để đo. “Vì thế, nhìn qua thì sách của sở rất dày, kênh hình và chữ nhiều nhưng lại dễ hiểu, chi tiết và trực quan sinh động. Những HS lứa tuổi còn nhỏ có thể nhìn vào mà tự học. Phụ huynh cũng nhìn vào sách để biết cách giúp đỡ con ở nhà” - giáo viên này nói.

Xã hội hóa kinh phí

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù tính pháp lý SGK của Bộ GD-ĐT cao hơn nhưng nhiều trường học tại TP.HCM đã đưa vào sử dụng hẳn cuốn tài liệu dạy học vật lý do Sở GD-ĐT TP biên soạn. Một phụ huynh tại quận 10 cho biết rất thích thú khi tham khảo cuốn sách do sở biên soạn vì được in trên giấy màu, hình thức trình bày đẹp. Nhất là khi nhìn vào đó, HS được hướng dẫn bài bản, chi tiết, kích thích sự tò mò...

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, TP đã có kế hoạch nhưng vẫn phải chuẩn bị chi tiết, cẩn thận vì không thể làm sách tùy tiện được. Đầu tiên là chọn xây dựng bộ sách ở cấp nào trước, đối tượng viết sách là những ai. Kể cả kinh phí, nhà xuất bản cũng phải tính toán chi tiết. SGK thì phải thực hiện cả bộ chứ không thể lẻ tẻ từng cuốn được. Đối với 2 cuốn tài liệu dạy học cũ sẽ có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp khi biên soạn bộ sách mới. Kinh phí viết sách chắc sẽ xin ngân sách TP ứng trước, sau đó thì xã hội hóa.

Ông Hoàng cũng cho rằng thuận lợi của TP là đối với mỗi môn học đều đã có hội đồng chuyên môn nhiều kinh nghiệm. Họ cũng là những thầy cô nhiều năm trực tiếp đứng trên bục giảng để biết được HS mình còn vướng mắc chỗ nào, chọn kiến thức nào để đưa vào... Sở sẽ mời thêm đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học thẩm định cho cặn kẽ để dư luận, phụ huynh, HS và các nhà giáo an tâm.

Học được thì phải làm được

Ông Trần Đức Huyên cho biết SGK mới sẽ được biên soạn theo các chủ đề có tính thực tiễn cao để khắc phục tình trạng học được nhưng không làm được. Điều này với chúng ta thì mới nhưng SGK ở các quốc gia khác trên thế giới đã làm rất lâu rồi. Sách của họ có tính ứng dụng rất cao, đặc biệt là Nhật Bản và Úc, gần nhất là Singapore. Ví dụ, sách toán của họ được biên soạn với các chủ đề có tính ứng dụng rõ ràng như toán kinh tế, toán trong cuộc sống hằng ngày với những ứng dụng cơ bản như thống kê lời lỗ trong kinh doanh. Trong khi đó, sách toán của chúng ta là toán thuần túy, nghĩa là toán lý thuyết và những bài tập sư phạm ứng dụng, hàn lâm. Vì thế, có thể HS rất giỏi toán nhưng không ứng dụng được.

Theo Một thế giới