Công ty Thoát nước đô thị TP cho biết tại Q.7 có 12 tuyến kênh, sông rạch bị lấn chiếm, Q.8 có 2 tuyến rạch bị lấn chiếm, Q.9 có 4 tuyến rạch bị lấn chiếm, Q.Tân Bình có 3 tuyến rạch bị lấn chiếm, Q.Bình Thạnh có 8 tuyến rạch bị lấn chiếm, Q.Thủ Đức có 5 tuyến rạch bị lấn chiếm, Q.Gò Vấp có 11 tuyến rạch bị lấn chiếm, huyện Bình Chánh có 2 tuyến rạch bị lấn chiếm, huyện Nhà Bè có 4 tuyến rạch bị lấn chiếm, Q.Bình Tân có 3 tuyến rạch bị lấn chiếm.
UBND TP.HCM vừa có thông báo chỉ đạo các sở ngành liên quan bàn biện pháp khắc phục và chấn chỉnh sai phạm tại dự án Riviera Point (P.Tân Phú, Q.7). Nếu xem xét có thể bổ sung xây hồ điều tiết thì phải điều chỉnh quy hoạch 1/500 cho phù hợp. Còn không thể xây hồ điều tiết thì phải có giải pháp bảo đảm khả năng tiêu thoát nước cho toàn khu vực, không để xảy ra ngập úng cho khu vực xung quanh.
Đối với dự án khu dân cư Sài Gòn Mới (thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè) thì các sở ngành phải kiểm tra, khảo sát thực tế việc lấp rạch và thống nhất biện pháp xử lý phần diện tích rạch đã bị san lấp.
* Ông HOÀNG SONG HÀ (chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh): Đang trình dự án cải tạo, di dời nhà dân Tám tuyến sông rạch trong danh sách bị lấn chiếm trên địa bàn quận Bình Thạnh là những tuyến rạch chính trên địa bàn quận. Nhà dân ở khu vực kênh rạch này từ rất lâu, do lịch sử để lại chứ không phải là những trường hợp mới lấn chiếm. Hầu hết các kênh rạch trong số 8 điểm bị lấn chiếm trên địa bàn quận nằm trong chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP. Quận và các sở ngành đã trình UBND TP một số dự án cải tạo, di dời nhà dân ở các tuyến kênh rạch này và đang chờ ý kiến chỉ đạo. Sáng 6-10, Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về tình hình chống ngập trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Theo báo cáo của UBND Q.Bình Thạnh, trên địa bàn quận có tới 33 điểm ngập và là một trong những quận có nhiều điểm ngập nhất TP.HCM. Các tuyến đường ngập nặng như: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh... Ngoài ra, khi mưa lớn kết hợp với triều cường còn gây ngập cục bộ nhiều khu vực với chiều sâu từ 0,1 - 0,5m. Hàng loạt tuyến hẻm dọc đường Phạm Văn Đồng cũng ngập do mặt đường cao hơn nhà dân. UBND Q.Bình Thạnh kiến nghị UBND TP sớm bố trí vốn để nạo vét, vớt lục bình trên các rạch: Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Xuyên Tâm. Các đơn vị liên quan cần nhanh chóng đưa vào vận hành đồng bộ các trạm bơm, trạm kiểm soát triều để phát huy tối đa khả năng tiêu thoát nước khi mưa kết hợp với triều cường. Ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho rằng: “Giảm được ngập người dân mừng bao nhiêu thì để tái ngập người dân lại bực bội gấp đôi. Chúng ta phải làm với trách nhiệm của mình, làm cho mình chứ đừng làm theo kiểu thi đua, thành tích”. K.YÊN - Đ.PHÚ ghi * Ông LÊ HOÀNG HÀ (chủ tịch UBND Q.Gò Vấp): Đưa nhà lấn chiếm sông rạch vào diện giải tỏa Trên địa bàn quận Gò Vấp có nhiều tuyến sông, kênh rạch nhỏ. Quá trình lịch sử để lại cũng có một số trường hợp lấn chiếm, xây dựng nhà trên bờ kênh rạch. Tuy nhiên quận đã chủ động cùng các cơ quan chức năng kiểm tra và quyết tâm không để các trường hợp phát sinh mới. Đối với những trường hợp lấn chiếm do lịch sử để lại, quận đưa vào danh sách giải tỏa để chỉnh trang đô thị theo dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn 2016-2020. Riêng trường hợp Công ty TNHH thương mại Song Kim lấn rạch Cầu Cụt, quận yêu cầu các phòng chức năng rà soát quy trình, thủ tục để giải quyết dứt điểm vụ việc này. Q.KHẢI ghi |
* GS.TS NGUYỄN ÂN NIÊN(chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật thủy lợi TP.HCM): Trả lại dòng chảy cho kênh rạch Đa số những điểm kênh rạch bị lấn chiếm san lấp, thu hẹp dòng chảy hoặc chiếm mặt kênh làm nhà ở đều xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, có chỗ tạo ra điểm nghẽn. Mỗi kênh rạch đều gánh trên vai sứ mệnh thoát nước cho một lưu vực cụ thể. Khi trên kênh có một điểm nghẽn thì cả lưu vực bị ảnh hưởng, gây những điểm ngập cục bộ vì nước không thoát được hoặc thoát rất chậm, nhất là khi trời mưa. Cụ thể như khu vực rạch Xuyên Tâm tại quận Bình Thạnh nhiều năm nay bị dân lấn chiếm làm nhà ở và tạo ra nhiều điểm bị nghẽn, ùn ứ do rác, khiến cho tại quận Bình Thạnh có rất nhiều điểm ngập do nghẽn nước. Nhà nước cần phải quản lý chặt, không để tình trạng lấn chiếm tiếp tục xảy ra nhưng cũng phải quan tâm khai thông những điểm nghẽn do dân lấn chiếm hoặc san lấp, trong đó cần lưu ý khai cảnh những điểm nghẽn do rác rưởi gây nên. * ÔngLÊ THÀNH CÔNG (kỹ sư thủy lợi): Sông rạch là một dạng hồ điều tiết Chúng tôi đã thử tính toán với đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, độ dài khoảng 9km, rộng 30 - 35m và chiều sâu khoảng 5m thì dung tích chứa của nó lên tới hơn 1,3 triệu m3. Với hiện trạng hiện nay có thể nạo vét sâu gấp đôi, khả năng tích trữ nước sẽ tăng lên 2,6 triệu m3. Nói như vậy để hiểu rằng việc xử lý tình trạng san lấp trái phép, lấn chiếm sông, kênh rạch, trả lại hiện trạng cũ là một tiền đề để xây dựng các dạng hồ điều tiết. Một người dân bình thường cũng có thể hiểu được nguyên tắc lòng kênh được thông thoáng, nạo vét bài bản không chỉ giúp khả năng trữ nước mà còn giúp khả năng thoát nước tốt hơn. * Ông LÊ HOÀNG MINH (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM): Ủng hộ dự án nạo vét sông rạch bị lấn chiếm Sở Giao thông vận tải TP chưa nhận được đề xuất của Công ty Thoát nước đô thị TP và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước về việc xử lý, nạo vét 54 sông rạch đang bị san lấp, lấn chiếm. Sở rất ủng hộ việc cần sớm triển khai các dự án nạo vét sông rạch để chống ngập nước. Thế nhưng, các đơn vị chức năng cần đề xuất cụ thể cái nào cần làm trước, cái nào cần làm sau. Vấn đề không chỉ có Sở Giao thông vận tải giải quyết mà cần có sự tham gia của Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính. Bên cạnh việc bố trí vốn cho từng dự án cụ thể còn có kế hoạch di dời giải tỏa các hộ dân trên các tuyến sông rạch này. Trên thực tế đã có một số tuyến sông, kênh rạch TP được nạo vét như dự án vệ sinh môi trường TP nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước nạo vét kênh Tàu Hủ, Bến Nghé, dự án nâng cấp đô thị TP nạo vét kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Các dự án này góp phần giảm ngập nước khu vực dân cư. Sở Giao thông vận tải đang trình UBND TP cho một doanh nghiệp đề xuất đầu tư vốn nạo vét rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh, Gò Vấp). Cần phải nói thêm là việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án nạo vét sông, kênh rạch rất khó khăn, vì vốn đầu tư rất lớn mà thu hồi vốn rất khó. Theo tôi được biết, UBND TP.HCM vừa kiến nghị HĐND TP chấp thuận chủ trương việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước để thực hiện dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM” có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Quy mô dự án gồm các hạng mục như: xây 6 cống kiểm soát ngăn triều, xây 6,97km đê xung yếu và 68 cống nhỏ dưới đê. Tổng số vốn đầu tư khoảng 9.850 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.790 tỉ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện đầu tư từ năm 2015 - 2018. |
Theo Tuổi trẻ