Trong thời gian qua, bên cạnh quá trình đổi mới trong công tác sản xuất, kinh doanh điện thì việc đẩy mạnh thu tiền điện qua hệ thống ngân hàng và các kênh thu hộ đang là một trong những tiêu chí mà Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đặt lên hàng đầu, không chỉ để tiến tới hiện đại hoá ngành điện mà còn góp phần tích cực vào giảm chi phí cho ngành điện, cho khách hàng.
Theo báo cáo của EVN HCMC tại Hội nghị “Triển khai giải pháp thanh toán tiền điện năm 2017” ngày diễn ra gần đây, ông Nguyễn Phú Vinh, Trưởng ban kinh doanh của EVN HCMC cho biết, trong năm 2016, qua kênh 22 ngân hàng, 8 tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các tổ chức thu hộ, tỷ lệ khách hàng thanh toán qua các kênh này chiếm 59,08% và chiếm 75,26% doanh thu của toàn tổng công ty.
Cụ thể, có tới hơn 11 triệu hoá đơn tiền điện được thanh toán thành công qua các hình thức này, tương ứng với số tiền gần 34.000 tỷ đồng, tăng 20,27% về hoá đơn và 14,92% về doanh thu so với năm 2015. Trong đó, các hình thức thu hộ được triển khai qua 7 kênh giao dịch phổ biến như quầy tại ngân hàng, siêu thị, internet, Mobi, SMS, ATM, Auto Debit, NTC, UNC.
Để có được kết quả trên, tổng công ty đã phối hợp với các đối tác mở rộng thêm các dịch vụ tiện ích cho khàng hàng như mở rộng kênh thanh toán, cải thiện các giải pháp kỹ thuật, vận động và khuyến khích khách hàng. Đặc biệt, tích cực các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng, qua từng khách hàng… để nhằm thay đổi thói quen thanh toán của người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn tồn tại những hạn chế từ các bên dẫn đến hiệu quả của chương trình chưa đạt như kỳ vọng. Về phía ngành điện, còn thụ động trong việc vận động khách hàng cũng như các thủ tục còn chậm, rườm rà trong việc ký phụ lục thoả thuận thanh toán cho khách hàng.
Về phía ngân hàng, các giao dịch chưa đúng quy trình, một số ngân hàng khi khách hàng đóng tiền điện vẫn yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân. Thậm chí tại một số điểm thu hộ còn thu phí khách hàng khi đóng tiền điện hay giữ tiền không chấm nợ để dẫn tới tình trạng khách bị cắt điện, gây bức xúc cho khách hàng, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của ngành điện…
Theo ông Nguyễn Phú Vinh, để đạt được các mục tiêu khách hàng thanh toán 75% qua kênh ngân hàng và đối tác trong năm 2017, trong đó có 33% khách hàng thanh toán qua hình thức thu điện tử và mục tiêu thương mại điện tử hoàn toàn vào năm 2020 thì ngành điện cần phải có những giải pháp để phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các đối tác nhằm tuyên truyền cho khách hàng thấy được lợi ích của hình thức thanh toán này để từ đó thay đổi thói quen từ chi tiêu bằng tiền mặt qua hình thức thanh toán điện tử.
Trong thời gian tới, EVN HCMC sẽ cùng với ngân hàng và các đối tác thu hộ tập huấn các nhân viên tại quầy, không chỉ tạo thuận lợi tối đa cho người đến nộp tiền điện mà còn tuyên truyền để chính những người khách hàng này sẽ là kênh truyền thông cho các khách hàng khác về sự lợi ích của hình thức thu hộ tiền điện này. Đồng thời, liên kết, mở rộng các hình thức, mở thêm các điểm, mở rộng các kênh thanh toán bằng phương thức ATM, POS, internet bangking, Mobi/SMS….
Đặc biệt, tích cực quảng bá tuyên truyền qua truyền hình, báo chí, đến từng nhà vận động, tri ân khách hàng, phát tờ rơi và mở các chương trình khuyến mãi...
Theo đại diện ngân hàng Vietcombank, cần tích cực sử dụng các hình thức tuyên truyền tới những khách hàng cũ (những khách hàng đã ký hợp đồng với ngành điện và lâu nay đang trả theo hình thức tiền mặt tại nhà). Theo đó, các khâu ký phụ lục thanh toán đối với những khách hàng này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành điện và bên thu hộ để khách hàng cảm thấy thuận tiện và có lợi về thời gian và chi phí.
Các đối tác thu hộ khác như Viettel, Ví điện tử (Momo) cũng cho rằng, bên cạnh tạo sự thoải mái cho khách hàng khi thanh toán bằng hình thức thu hộ, thì việc phối hợp để xử lý các khiếu nại như thừa tiền, báo đóng điện… cũng cần được xử lý nhanh chóng, chính xác để tạo tâm lý phấn chấn cho khách hàng khi dùng dịch vụ này.