Theo những nội dung đã được các bên thống nhất, 2 tuyến vận tải HKCC sẽ hoạt động trên sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 21 km. Tuyến số 1 đi từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Linh Đông (quận Thủ Đức), dài khoảng 10,8 km với 7 trạm dừng thuộc các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến số 2 đi từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Lò Gốm (quận 8), dài 10,3 km.
Trong 2 năm đầu, giá vé 15.000 đồng/người/lượt và sau đó điều chỉnh dựa vào tình hình thị trường. Thời gian khai thác, vận hành 2 tuyến này là 50 năm và TP không đầu tư công trình nào trong dự án.
Sau thời gian khai thác, nhà đầu tư thu hồi các hạng mục kinh doanh, tài sản đã đầu tư và bàn giao lại mặt bằng, công trình xây dựng cơ bản cho TP.
Các nội dung đã thống nhất trong dự thảo sau khi đàm phán được báo cáo UBND TP xem xét, quyết định việc ký kết thỏa thuận đầu tư làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo.
Trước đó, vào năm 2010, UBND TP. HCM thông qua đề xuất của Công ty TNHH Thường Nhật mở thí điểm 2 tuyến vận tải HKCC trên sông Sài Gòn và giao các đơn vị nghiên cứu, thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đến năm 2012, Công ty TNHH Thường Nhật xin tạm dừng dự án.
Đến tháng 7/2015, dự án một lần nữa được các đơn vị đề xuất và UBND TP thông qua, tiếp tục giao các đơn vị nghiên cứu, trong đó có đánh giá về việc tận dụng lợi thế sông, rạch chằng chịt của TP.
TP HCM có 112 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000 km, trong đó tuyến thủy nội địa dài 574,1 km nhưng chưa được tận dụng hiệu quả.
Sở GTVT TP. HCM đánh giá việc xây dựng các tuyến vận tải HKCC đường thủy nội địa ngoài việc giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ còn tạo bước đột phá trong khai thác giao thông thủy, thúc đẩy phát triển du lịch ven sông.