TP. HCM: Dự kiến thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2020 bằng công nghệ mới

VietTimes -- Trong đề án thu phí ô tô vào trung tâm từ năm 2020, chủ đầu tư đề xuất áp dụng công nghệ nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR), cách này được cho là đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ôtô mỗi giờ trên một làn, thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần nghiên cứu trước.
TP. HCM: Ô tô vào nội đô sẽ bị thu phí theo giờ từ năm 2020 - Ảnh: Báo Giao thông
TP. HCM: Ô tô vào nội đô sẽ bị thu phí theo giờ từ năm 2020 - Ảnh: Báo Giao thông

Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) vừa có báo cáo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề án thu phí ôtô vào trung tâm. 

Theo đó, ITD đề xuất phương án lắp trạm thu phí theo hai giai đoạn:

Giai đoạn một sẽ triển khai vào năm 2019, xây dựng 36 cổng thu phí không dừng trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP HCM. Trung tâm điều hành sẽ kết nối các cổng, xử lý thông tin và quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.

Giai đoạn hai, dự kiến vào năm 2027 sẽ đầu tư 39 cổng thu phí khi thành phố đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1, xe buýt nhanh cùng hoạt động.

Ngoài ra, ITD còn đề xuất thu phí ra vào đường Trường Sơn để góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. ITD cho rằng, có đến 60-70% ôtô đang "mượn" đường Trường Sơn chứ không đi vào sân bay Tân Sơn Nhất nên đề án bổ sung trạm thu phí ở đầu đường này, thu tiền trước. Nếu thực hiện việc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay.

Về thu phí, đơn vị lập đề án xây dựng ba kịch bản để xác định mức phí phù hợp trong thời gian từ 6h đến 17h là 30.000-50.000 đồng tùy loại xe. Bên cạnh đó, đề án kiến nghị giảm phí cho taxi và người dân sống trong khu vực trung tâm.

Đáng chú ý, đề án này cho biết, chủ đầu tư sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR). Cách này được cho là đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ôtô mỗi giờ trên một làn, thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần nghiên cứu trước.

Trước đó, vào tháng 4/2017, UBND TP. HCM đồng ý chủ trương cho phép Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, lập đề xuất dự án Thu phí sử dụng đường bộ xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Năm 2010, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Công ty CP công nghệ Tiên Phong về dự án tổ chức thu phí ô tô vào khu trung tâm. Hai năm sau, đề án chính thức được trình UBND TP. Tuy nhiên, đến hiện tại đề án này vẫn chưa được triển khai.
UBND TP đã yêu cầu thời hạn lập và trình đề xuất dự án tối đa 3 tháng. Sau thời hạn trên, nếu đề xuất dự án không khả thi, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quá thời gian được giao mà chưa hoàn thành nghiên cứu đề xuất dự án hoặc Công ty CP công nghệ Tiên Phong không được chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án thì xem như công ty từ chối, không tham gia tiếp tục đầu tư và tự chịu mọi khoản chi phí nghiên cứu.

Ứng dụng công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến RFID (Radio Frequency Identification), giúp thanh toán, nhận dạng mọi thứ chỉ bằng một động tác lướt nhanh chóng.

Ví dụ, nếu áp dụng RFID trong siêu thị, người tiêu dùng chỉ việc đẩy xe đựng các mặt hàng vừa mua ngang qua đầu đọc, lập tức tổng số tiền cần thanh toán sẽ hiện lên chính xác mà không cần phải chờ đến thao tác đếm, tính tiền từng vật phẩm một của nhân viên. Đó là một trong những ứng dụng tiện lợi mà công nghệ RFID mang lại.

Một vi xử lí nhỏ chứa dữ liệu thông tin về đối tượng và một ăng-ten phát sóng radio. Để truy xuất thông tin về đối tượng, một hệ thống đầu đọc sẽ được gắn ở những nơi phù hợp như trạm thu phí, cửa kiểm soát.. Khi đối tượng đi vào phạm vi giao tiếp, dữ liệu thông tin về đối tượng sẽ được đầu đọc truy xuất và gửi về máy chủ để xử lí, nhận dạng, quản lí...

Nếu kết hợp thêm tính năng ghi chép các thông tin về đối tượng thì còn có thể ứng dụng vào việc thanh toán tiền đi xe buýt, tàu điện metro, ngân hàng..., đặc biệt là chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe điện tử.