Toyota “chữa cháy” về kế hoạch sản xuất tại Việt Nam

Tại buổi họp báo hôm qua, 21/4, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam liên tục phủ nhận thông tin về việc ngừng sản xuất và cho biết đang nỗ lực để duy trì sản xuất. Tại cuộc họp báo hồi đầu tháng, vị này đã phát biểu thông tin trái ngược.
Ông Maruta, Tổng giám đốc TMV.
Ông Maruta, Tổng giám đốc TMV.

Cụ thể, ngày 22/4, trong buổi họp báo ra mắt mẫu Camry 2015, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta cho rằng đã có “sự hiểu lầm” trên báo chí. Theo ông “ Toyota hoàn toàn không có ý định như vậy, hoàn toàn không có ý đó. Toyota luôn mong muốn tiếp tục sản xuất lắp ráp và nay đang nỗ lực để duy trì. Tất nhiên chúng ta đều biết thuế nhập khẩu từ ASEAN năm 2018 bằng 0% nên phải nỗ lực hơn nữa. Từ trước tới giờ Toyota luôn nỗ lực cắt giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh ”.

Tôi xin nhắc lại không có chuyện “Toyota Việt Nam xem xét ngừng sản xuất”. Bản thân Toyota Việt Nam chúng tôi đang có nhiều người lao động đang làm việc. Toyota nếu bỏ phải có động thái chuẩn bị. Với tư cách là tổng giám đốc TMV tôi có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của rất nhiều người lao động. Tôi nhắc lại tôi không hoàn toàn có ý định từ bỏ ý định sản xuất tại Việt Nam ” – ông Maruta lặp đi lặp lại phần phủ nhận Toyota cân nhắc ngừng sản xuất.

Trả lời phóng viên về việc liệu Toyota Việt Nam có bỏ ngỏ khả năng dừng sản xuất và chuyển sang chỉ nhập khẩu khi việc tiếp tục sản xuất gặp cản trở, ông Maruta khẳng định hiện nay Toyota Việt Nam không có bất kỳ phương án dừng sản xuất nào mà chỉ tìm cách tiếp tục sản xuất nên không nói gì về khả năng này.

Trước đó gần 3 tuần, tại cuộc họp tổng kết hoạt động kinh doanh 2014 và kế hoạch 2015 hôm 2/4/2015, chính ông Maruta lại có những thông tin khác hẳn:

Cụ thể, trả lời câu hỏi của một phóng viên Nhật Bản: “Toyota Việt Nam có tiếp tục sản xuất không khi thuế nhập khẩu từ ASEAN xuống  0% vào 2018 và điều kiện để Toyota Việt Nam sản xuất tiếp là gì?”, ông Maruta cho biết:

Ngành sản xuất xe hơi rất quan trọng với Việt Nam. Chúng tôi luôn nói với các cơ quan liên quan về điều này. Khó nhất là lịch sử ngành xe hơi của Việt Nam quá ngắn và hầu như chưa có sự phát triển gì đáng kể, trong đó đặc biệt là sản xuất linh kiện phụ tùng. Vì thế, các nhà sản xuất tập hợp được các nhà sản xuất linh kiện nội địa thì sẽ giảm được giá xe. Trong khi Việt Nam chưa có nhà sản xuất, phải nhập khẩu từ Thái Lan hay Indonesia, chi phí về nhập khẩu, vận chuyển rất tốn kém.

Nói một cách hơi quá thì nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái vào Việt Nam còn rẻ hơn lắp ráp. Tất cả chúng ta đều hình dung nhập cả xe bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, rồi gỡ ra rồi lại lắp lại. Đến 2018 là một vấn đề lớn. Trong VAMA tất cả các nhà sản xuất khác cũng đối mặt với vấn đề tương tự, sắp phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu.

Để sản xuất 1 xe thì thời gian chuẩn bị cần 3 năm. Vì thế thời điểm này rất quan trọng cho 2018. Tất cả các nhà sản xuất: chúng tôi hy vọng và trông chờ vào chiến lược tổng thể về công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ thông qua năm ngoái. Tuy nhiên chúng tôi gặp phải vấn đề chiến lược không đưa ra kế hoạch cụ thể là sẽ làm gì nên chúng tôi không hiểu sẽ cần phải làm gì.

Vì thế, việc trả lời câu hỏi “tiếp tục sản xuất hay không” thì cần đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể năm ngoái. Nếu không có động thái cụ thể, tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn
”.