Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ mới đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng đường ống dẫn khí đốt vốn gây tranh cãi của Nga, Nord Stream 2, là một thỏa thuận đã chốt xong.
Nếu hoàn thành như dự kiến vào cuối năm nay, Nord Stream 2 mỗi năm sẽ vận chuyển khoảng 55 tỉ mét khối khí gas từ Nga tới Đức, thông qua Biển Baltic, và sau đó là tới phần còn lại của châu Âu. Dự án mang lại khoản lợi nhuận 3,2 tỉ USD/năm cho Nga.
Việc xây dựng đã bị hoãn suốt 1 năm liền do các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt vào năm 2019 nhằm vào việc xây dựng và rót vốn cho dự án này. Các lệnh trừng phạt sau đó được kéo dài trong năm 2020.
Một số chuyên gia của Nga từng cho rằng các lệnh trừng phạt này sẽ trở thành “con bài ngã giá” mà ông Biden sẽ đem ra sử dụng tại hội nghị thượng đỉnh ở Geneva để gây sức ép cho ông Putin về vấn đề Ukraine và Georgia, việc Nga ủng hộ chính quyền ở Belarus, các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Nga mà phương Tây tung ra, và cả cáo buộc đầu độc, bắt giam thủ lĩnh phe đối lập…
Thế nhưng, chỉ 1 tháng trước khi diễn ra hội nghị này, Nhà Trắng lại gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Nord Stream 2, khiến cho một số nhà lập pháp ở Mỹ cùng các đối tác của Mỹ ở châu Âu không hài lòng.
Nord Streama 2 là một dự án chung giữa một nhóm các công ty khí đốt của châu Âu với tập đoàn Gazprom của Nga – một công ty phần lớn thuộc sở hữu của nhà nước và là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới.
Đối với Tổng thống Putin, dự án này là cơ hội để tăng tầm ảnh hưởng của Nga ở châu Âu, bằng cách làm tăng sự phụ thuộc của khu vực này vào nguồn năng lượng mà Nga cung cấp. Khí đốt từ lâu đã trở thành nền tảng sức mạnh của ông Putin cả ở trong nước và quốc tế. Nord Stream 2 giờ trao thêm quyền lực cho lãnh đạo Nga đối với khu vực Tây Âu.
Những đường ống phục vụ cho việc xây dựng đường ống dẫn khí trong dự án Nord Stream 2 (Ảnh: AFP) |
Kiểm soát ngành công nghiệp khí đốt
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000, ông Putin đã bắt đầu giành lại quyền kiểm soát ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt ở Nga. Ông quốc hữu hóa Gazprom, công ty dầu khí nhà nước từng bị tư nhân hóa sau sự sụp độ của Liên Xô. Các nghiên cứu của giới học giả chỉ ra rằng, việc giành lại kiểm soát ngành công nghiệp dầu khí đã đóng góp không nhỏ trong quá trình củng cố sức mạnh của chính quyền.
Tính đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên của mình năm 2004, chính phủ của ông Putin đã giành được quyền kiểm soát đáng kể đối với sản lượng dầu khí ở Nga, một trong số những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới.
Doanh thu từ việc bán dầu khí đã cho phép chính quyền Putin có đủ ngân sách để tăng chi tiêu cho quốc phòng, tăng cường sức mạnh quân đội và vận hành các chương trình nghị sự trong nước. Nó cũng tạo cho Tổng thống Putin quyền lực nhất định đối với các quốc gia láng giềng vốn phải dựa vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Ví dụ, trong năm 2006 và 2009, khi chính phủ Ukraine áp dụng các chính sách thân phương Tây hơn, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho nước này – bởi vậy mà ảnh hưởng tới cả nguồn cung khí đốt cho các nước dọc tuyến đường cung ứng này ở Trung và Tây Âu, bao gồm cả Đức.
Nga đối đầu châu Âu
Là một đường ống dẫn khí trực tiếp từ Nga tới châu Âu, Nord Stream 2 có thể tránh gặp phải những vấn đề như trên ở khu vực Tây Âu trong tương lai. Nhưng mặt khác, giờ Tây Âu cũng sẽ phải đối diện với khả năng bị Nga cắt nguồn cung như đối với Ukraine trước kia. Bởi vậy mà dự án này gây nên nhiều chia rẽ.
Nord Stream 2 vốn đã gây ra rạn nứt giữa các nước thành viên NATO, ngay cả khi chưa được hoàn thiện.
Thụy Điển, Ba Lan và các nước Baltic đều nêu ra quan ngại của họ đối với dự án, chỉ ra nhiều vấn đề về môi trường do công tác xây dựng và bảo trì đường ống dẫn khí. Họ lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng đường ống dẫn này để tăng cường sự hiện diện của hải quân ở biển Baltic. Điều này sẽ giúp Nga tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo.
Một “NATO vụn vỡ”, như ông Putin từng nói – gây ra nhiều sự chia rẽ trong khối đồng minh – không khác gì một chiến thắng đối với Nga.
Dự Nord Stream 2 gây ra chia rẽ trong cộng đồng các nước NATO (Ảnh: AFP) |
Tổng thống Putin coi NATO – ông từng gọi là tàn dư của Chiến tranh Lạnh – như mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Nga. Sự chia rẽ ở châu Âu cho phép Nga tiếp tục theo đuổi các chính sách của mình mà không cần phải can thiệp sâu vào các vấn đề nước ngoài.
Ukraine “tiến thoái lưỡng nan”
Còn đối với Ukraine, Nord Stream 2 là một mối đe dọa cả về mặt an ninh và tài chính.
Ukraine đã ngừng mua khí đốt của Nga từ năm 2015, sau sự kiện Crimea trở lại thành một phần của nước Nga. Tuy nhiên, Ukraine vẫn thu về khoản tiền phí thường niên lên tới 3 tỉ USD do Nga vẫn phải sử dụng hệ thống đường ống chạy qua nước này để chuyển khí đốt tới châu Âu.
Và một khi hoàn thiện, Nord Stream 2 sẽ tước khoản thu nhập đó khỏi tay Ukraine. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bị mất tiền do không được thu phí chuyển khí đốt cũng đồng nghĩa với việc nước này sẽ “không còn gì để chi trả cho quân đội Ukraine” để bảo vệ đất nước khỏi những hành động mà ông gọi là “hung hăng” của Nga.
Vào tháng 4/2021, các nhà quan sát đã ghi nhận việc Nga tăn cường quân lực ở khu vực biên giới với Ukraine và cả ở nhiều khu vực thuộc Biển Đen và biển Azov. Quân đội Nga thu quân sau một vài tuần lễ, nhưng có thông tin rằng khoảng 80.000 binh sĩ Nga vẫn được duy trì sát Ukraine, cùng nhiều trang thiết bị quân sự, bao gồm xe tải quân dụng và xe thiết giáp.
Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận ngày 18/4/2021 (Ảnh: AFP) |
Tổng thống Zelensky từng nói dự án Nord Stream 2 đã trở thành một thứ “vũ khí thực sự” nhằm vào Ukraine. Ở Kiev, có nhiều lo ngại rằng một khi Nga không còn phải dựa vào Ukraine để chuyển khí đốt tới châu Âu, Tổng thống Putin sẽ bắt đầu gây thêm sức ép với chính phủ Ukraine liên quan tới vùng Donbas.
Trong khi Ukraine hứng trọn rủi ro, thì người tiêu dùng ở châu Âu sẽ được mua khí đốt với giá rẻ hơn. Dự án Nord Stream 2 sẽ giúp Nga nắm được thị trường khí đốt châu Âu, và tạo lợi thế không hề nhỏ cho nước này.
Theo Asia Times