Tờ Kommersant của Nga hôm 22/6 dẫn nguồn tin từ Bộ Giáo dục Nga nói rằng, chính phủ đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để triển khai một chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin nhằm nghiên cứu ra giao diện “não bộ-máy tính”.
Theo một số tài liệu mà các phóng viên của tờ Kommersant dẫn lại, sáng kiến liên bang trên có tên là “Não bộ, Sức khỏe, Trí tuệ, Đổi mới giai đoạn 2021-2029” và sẽ được đầu tư khoản tiền 54 tỉ Rúp (741.420 triệu USD) với mục tiêu mang những công nghệ tương lai áp dụng vào cuộc sống.
Đề xuất trên – được đưa ra bởi Viện Hàn lâm Khoa học Nga – đã được Tổng thống Vladimir Putin “bật đèn xanh” từ tháng 3 năm nay. Trong số các sáng kiến được lên kế hoạch có phần mềm và phần cứng giúp biến đổi tín hiệu bên trong não bộ thành các thông điệp mà máy tính có thể đọc được, từ đó giúp con người trực tiếp ra lệnh cho máy tính chỉ bằng suy nghĩ.
NGoài ra còn có thiết bị điện tử dành cho người lái xe, giúp họ điều khiển từ xa phương tiện của mình, và cải thiện khả năng đưa ra quyết định của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo báo cáo của Kommersant, chính phủ Nga tin rằng họ có nhiều lợi thế trong lĩnh vực điện toán công nghệ cao, nhưng lại chưa nhận được nguồn vốn đầu tư đủ để đưa nước Nga lên vị trí tiên phong trên thế giới.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn về kế hoạch trên trong hôm 22/6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông không có thông tin về chương trình này và cũng “không thể xác nhận hay phủ nhận” liệu nó có đang được triển khai trong thời điểm hiện tại hay không.
Ngay sau đó, cơ quan báo chí của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga nói rằng, họ “phủ nhận thông tin về chương trình cấy vi chip vào não người”, thêm rằng mặc dù họ từng được giao nhiệm vụ này nhưng nguồn vốn đã bị cắt vào khoảng thời gian cuối năm ngoái với lý do “đầu tư không thiết thực”.
Năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu ở thành phố Siveria thuộc Tomsk công bố về cái mà họ gọi là một mô hình vật lý của não bộ con người, có khả năng học hỏi và tự rèn luyện. Nhóm hy vọng rằng công trình nghiên cứu của họ cuối cùng sẽ giúp cấy chip để nâng cao khả năng não bộ con người.
Những điều nghe có vẻ như đến từ một bộ phim khoa học viễn tưởng này không phải hiếm gặp ở Nga. Tháng 11/2020, cảnh sát Nga từng đề nghị được cấp vốn để phát triển một “mạng lưới thần kinh” của các não bộ nhân tạo, giúp họ phát giác những kẻ phạm tội. Lúc bấy giờ, Bộ Nội vụ Nga đã hứa hẹn sẽ giúp “nhận diện các đặc điểm giải phẫu của một cá nhân, thu được nhờ sử dụng chất liệu sinh học tại hiện trường vụ án”.
Theo RT