Trong bài viết đăng tải trên tờ Die Zeit của Đức hôm 22/6, Tổng thống Putin nhấn mạnh về vai trò của Liên Xô trong việc giải phóng các nước châu Âu khỏi sự chiếm đóng của Đức quốc xã. Ông tưởng nhớ tới những binh sĩ Hồng quân, “những người không chỉ bảo vệ sự độc lập và phẩm giá của nước nhà, mà còn giúp châu Âu và toàn thế giới khỏi ách nô lệ”.
Ông thêm rằng, đánh bại được Đức quốc xã chính là nhờ “các đồng minh của chúng ta trong liên minh chống Hitler, những người tham gia phong trào kháng chiến, những người chủ trương chống phát xít ở Đức”.
Tổng thống Nga nói rằng kết thúc Chiến tranh Lạnh nên được xem như “một chiến thắng chung của toàn châu Âu”, nhưng sự căng thẳng diễn ra trên khắp lục địa đã trỗi dậy một cách không cần thiết. Ông đổ lỗi cho NATO vì tình trạng hiện nay, cho rằng khối quân sự do Mỹ dẫn đầu này là một “tàn dư” của xung đột thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự bành trướng của NATO về phía Đông, - mặc dù khối này đảm bảo điều ngược lại – đã làm nảy sinh sự bất tín và căng thẳng trên lục địa; ông Putin nhấn mạnh.
Mối quan hệ giữa Moscow và NATO ban đầu đã “tan băng” sau khi Liên Xô sụp đổ, trong đó cả hai bên còn ký kết cả một tuyên bố khẳng định rằng họ “không coi nhau là thù địch”.
Tuy nhiên, Nga khẳng định rằng NATO đã cam kết sẽ không tìm cách mở rộng về phía biên giới Nga. Thế nhưng NATO đã phá vỡ cam kết đó vào năm 2004 khi thực hiện cuộc mở rộng lớn nhất trong lịch sử tồn tại của nó, kết nạp các nước vùng Baltic và một nước từng là thành viên của Khối Đông Âu. Ông Putin từng gọi động thái này là một “mối đe dọa chiến lược” trong bài phát biểu nhân sự kiện Crimea trở lại thành một phần nước Nga năm 2014.
Ông Putin còn viết thêm rằng, “Hơn nữa, nhiều quốc gia còn bị đặt trước một lựa chọn nhân tạo, đó là hoặc về phía Nga hoặc về phía phương Tây”. Tổng thống Nga chỉ ra những sự kiện ở Ukraine trong năm 2014 như một ví dụ về “những hậu quả mà kiểu chính sách hung hăng này đã gây ra”. Từ đó, ông viết “EU đã tích cực ủng hộ cuộc đảo chính vũ trang phi hiến ở Ukraine”.
“Toàn bộ hệ thống an ninh của châu Âu giờ đã xuống cấp đáng kể” – ông Putin cảnh báo – “Căng thẳng đang tăng dần và nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới đang dần trở thành hiện thực. Chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội to lớn có được từ sự hợp tác – điều quan trọng hơn là giờ tất cả chúng ta đều đang đối diện với những thách thức chung, như đại dịch cùng với những hậu quả về mặt xã hội-kinh tế mà nó gây ra”.
Tổng thống Putin nhắc lại rằng “Nga luôn mong muốn việc phục hồi quan hệ đối tác toàn diện với phần còn lại của châu Âu” và một lần nữa đưa ra ý tưởng về một “không gian chung vì hợp tác và an ninh, từ Đại Tây Dương cho tới Thái Bình Dương”.
Trong tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gửi lời mời các nước EU ký kết một kế hoạch mà Moscow ủng hộ để hình thành một “Quan hệ Đối tác Đại Á-Âu”, mở rộng cửa với tất cả các nước trên 2 lục địa.
Gửi tới các độc giả, ông Putin nói rằng “Thế giới là một nơi năng động, đang phải đối diện với nhiều thách thức và mối đe dọa mới. Chúng ta đơn giản là không thể nào mang vác được gánh nặng của những hiểu lầm, cảm xúc tồi tệ, xung đột và những lỗi lầm trong quá khứ”.
Ông nói thêm rằng “mục tiêu chung và không thể chối cãi của chúng ta chính là đảm bảo an ninh trên lục địa mà không có lằn ranh gây chia rẽ, một không gian chung để hợp tác công bằng, phát triển toàn diện vì sự thịnh vượng của châu Âu và toàn thế giới”.
Theo RT