Tổng kiểm tra cây xanh công viên, thay thế cây sâu mục

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu tổng kiểm tra toàn bộ các công viên, vườn hoa, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sai mục đích. Đồng thời, kiểm tra hiện trạng công tác quản lý, sử dụng của các hồ để xử lý sai phạm... 
Hà Nội sẽ tổng kiểm tra hiện trạng cây xanh trong các công viên để lên kế hoạch cắt tỉa cành, thay thế cây sâu mục
Hà Nội sẽ tổng kiểm tra hiện trạng cây xanh trong các công viên để lên kế hoạch cắt tỉa cành, thay thế cây sâu mục

UBND thành phố Hà Nội mới đây đã có một cuộc họp với các sở, ban, ngành về tình hình triển khai các dự án cải tạo môi trường hồ và công tác quản lý, đầu tư các công viên trên địa bàn Thành phố. 


Sau khi nghe sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Xây dựng báo cáo và ý kiến của các thành viên dự họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở Tài chính, Công an Thành phố và các quận, huyện tổng kiểm tra toàn bộ các công viên, vườn hoa, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sai mục đích.  

“Trên cơ sở kiểm tra, phải lập lại trật tự của các công viên, vườn hoa, xem xét, đề xuất việc giao cho đơn vị quản lý bảo đảm hiệu quả, phù hợp. Trường hợp các đơn vị, quận,  huyện được giao nhưng quản lý kém thì đề xuất giao cho các đơn vị khác thực hiện” – Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cương quyết. 

Ông Hùng cũng yêu cầu sở Xây dựng phối hợp với sở Giao thông Vận tải sắp xếp bãi đỗ xe, trông giữ xe phục vụ nhân dân vui chơi, nghỉ ngơi trong các công viên; kiểm tra, khắc phục các hạng mục công trình bị hư hỏng xong trước ngày 30/4. 

Phó Chủ tịch Thành phố giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý Nhà nước đối với các công viên, vườn hoa trên địa bàn, tăng cường kêu gọi xã hội hóa bằng nhiều  hình thức khác nhau để đầu tư và quản lý công viên đảm bảo hiệu quả. 

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu sở Xây dựng chỉ đạo thực hiện tổng kiểm tra các cây xanh, lập và bổ sung hồ sơ quản lý; thực hiện việc chăm sóc, kiểm tra, cắt tỉa cành, thay thế cây sâu mục, kể cả các cây trên quốc lộ để hạn chế tối đa hiện tượng cây gãy, đổ khi có mưa, bão, gió lốc xảy ra. 
  
Ông Phó Chủ tịch Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với sở Xây dựng tập trung lập xong quy hoạch của các công viên trên địa bàn Thành phố; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư trong năm 2015 khởi công, triển khai một số dự án công viên như: Công viên Nhân Chính, Công viên – hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai dịch, Công viên giải trí tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm và Khu Công viên  hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy. 

Xử lý nghiêm lấn chiếm hồ 

Cũng tại cuộc họp nói trên, các sở, ban ngành đã có báo cáo và cho ý kiến về công tác cải tạo, sử dụng các hồ nước trong phạm vi Thành phố. 

Chỉ đạo về vấn đề này, đối với các hồ nước được giao theo phân cấp, ông Nguyễn Quốc Hùng giao UBND các quận có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng, sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hiện trạng công tác quản lý, sử dụng của các hồ và kiên quyết xử lý các vi phạm lấn chiếm khu vực xung quanh hồ, làm ô nhiễm nước hồ... 

Đối với các hồ nước thuộc các dự án xây dựng, cải tạo công trình thoát nước, sở Xây dựng và UBND các quận, huyện được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét, xây dựng, cải tạo để đưa vào khai thác sử dụng. 

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, nghiên cứu phương án xử lý giảm ô nhiễm môi trường nước đối với một số hồ có nguy cơ ô nhiễm cao trên cơ sở hiện trạng của hồ theo  hướng đơn giản, tiết kiệm, giảm chi phí xử lý. 

Phó Chủ tịch Thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng và UBND các quận xác định chỉ giới xây dựng, ranh giới quản lý các hồ, làm cơ sở để chính quyền các quận, phường quản lý; Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện để chỉ đạo có giải pháp ngăn chặn tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm các hồ nước trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ phối hợp với sở Xây dựng, sở Tài chính làm việc với JICA để nghiên cứu, đề xuất việc chuyển vốn dư của Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội – dự án 2 sang cải tạo các hồ nước bảo đảm môi trường và thực hiện kêu gọi đầu tư cải tạo các hồ. 

Đối với các hồ nước đang nạo vét, cải tạo dở dang thực hiện theo phương thức xã hội hóa, ông Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở Quy hoạch - Kiến trúc, sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện xác định hiện trạng các công việc đã thi công, hoàn thành, lên phương án điều chỉnh cho phù hợ để tiếp tục triển khai; trường hợp nhà đầu tư tiếp tục đóng góp, hỗ trợ thì đôn đốc, tạo điều kiện để triển khai. 

 “Trường hợp nhà đầu tư không có kinh phí để thực  hiện tiếp thì sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với sở Xây dựng, UBND các quận, huyện nghiên cứu, cân đối đề xuất nguồn vốn (từ đấu giá đất, từ ngân sách hoặc xã hội hóa...), giao chủ đầu tư cho phù hợp, hoặc tiếp tục kêu gọi đầu tư để triển khai từ cuối năm 2015; tổng hợp, đề xuất để UBND thành phố báo cáo thành ủy theo quy định.” - ông Phó Chủ tịch Thành phố chỉ đạo. 

Ngoài ra, đối với các hồ nước đã nạo vét, cải tạo xong, ông Hùng yêu cầu sở Xây dựng đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện bàn giao để giao cho các đơn vị quản lý, duy trì theo phân cấp quản lý của Thành phố. Trường hợp các nhà đầu tư không phối hợp để thực hiện bàn giao, sở Tài chính và sở Xây dựng xác định nguyên giá việc nạo vét, cải tạo, xây dựng, thống nhất để giao cho các đơn vị quản lý.

Theo: VnMedia