Sáng 23/11/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ Thông tin. Trong 10 năm qua, lĩnh vực CNTT đã có những thay đổi lớn, xuất hiện nhiều xu thế công nghệ như di động, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số… đã làm thay đổi căn bản cách tiếp cận và triển khai ứng dụng, phát triển CNTT. Trong bối cảnh đó, việc kịp thời đánh giá, tổng kết thi hành Luật để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tiễn là cần thiết nhằm tạo điều kiện để ngành CNTT phát huy được hết tiềm năng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đột phá, thu hút nguồn lực đa dạng của xã hội vào phát triển CNTT.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét: "có thể chúng ta không hài lòng với sự phát triển của CNTT trong 10 năm qua. Không phải chỉ lãnh đạo không hài lòng, mà tự bản thân anh em làm CNTT cũng không hài lòng. Vì trong thời gian qua mặc dù những người làm CNTT đã rất nỗ lực nhưng qua quá trình làm còn thấy vướng rất nhiều. Vướng có phải vì do Luật CNTT không? Mới nghe qua tưởng do Luật CNTT nhưng mà nghe kỹ hơn từ anh em trực tiếp làm CNTT thì vướng không phải chỉ do Luật CNTT mà còn do rất nhiều thứ khác. Do đó, khi thực hiện đánh giá Luật, phải nhìn nhận theo phương thức nên đặt kết quả phát triển CNTT với đánh giá toàn diện các hệ thống pháp luật chung có liên quan đến CNTT để có cái nhìn toàn diện hơn".
Cái vướng thứ hai được Phó Thủ tướng chỉ ra không chỉ do khuôn khổ pháp luật mà còn do tổ chức thực thi luật. Hiện nay việc thực thi luật có 2 tầng nấc, việc ra các văn bản dưới Luật theo báo cáo còn có nhiều điều chưa được hướng dẫn, hoặc có điểm bị kẹt không hướng dẫn được, điển hình là Nghị định 112 mà giờ đang phải tìm cách tháo gỡ. Thêm đó, còn có những hạn chế mà kể cả có khuôn khổ pháp lý rồi nhưng ta làm chưa tốt. Nguyên nhân có những thứ do khó khăn từ tình hình kinh tế xã hội chung, do thói quen của người tiêu dùng, nhưng cũng có trường hợp thực thi không tốt do chính những người làm CNTT. Do đó rất cần xem xét nghiêm túc đánh giá lại một cách toàn diện khi thực hiện trong những năm tới. Sau khi tổng kết Luật CNTT phải tạo những bước chuyển biến mới mà có những điều chưa cần phải sửa Luật.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng cho biết, Bộ nhận thức sâu sắc được các yêu cầu cấp bách của việc đổi mới hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn tới phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động ứng dụng CNTT. Bộ cũng nhận thức được cơ hội to lớn của các xu thế công nghệ mới như Internet vạn vật, thành phố thông minh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho Việt Nam. “Mặc dù còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục đánh giá, đặc biệt là tác động của quá trình chuyển đổi số với đời sống kinh tế xã hội nhưng chắc chắn các xu thế này sẽ mang đến những tiềm năng phát triển đột phá, cho chúng ta một cơ hội đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hội nghị cũng đã nghe đại diện các bộ ngành, địa phương, hiệp hội báo cáo về tác động của Luật CNTT đối với hoạt động của mình và có phần giao lưu về định hướng quản lý và phát triển CNTT trong thời gian tới với một số đại biểu tham dự. Sau đó, lãnh đạo Bộ đã trao bằng khen của Bộ trưởng cho 29 tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, triển khai Luật CNTT thời gian qua.
Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, việc hoàn thiện Luật CNTT sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực là ứng dụng CNTT; phát triển công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT. Các đơn vị tham mưu của Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đặc biệt là các ý kiến của diễn giả, đại biểu, chuyên gia trong hội nghị này để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đề xuất bắt đầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ngay trong năm 2018.