Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 vừa diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội và 80 điểm cầu trực tuyến trong cả nước, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - cho rằng: Phòng, chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
“Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm “chậm” sự phát triển đất nước, Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Hơn thế nữa, chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe nọ cánh kia”, nhất là vào dịp chúng ta đang chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIII của Đảng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".
Cùng với đó, ông cũng cho rằng phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.
Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Do đó, phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng.
Tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, từ năm 2013 đến nay, lực lượng Công an đã khởi tố 1.856 vụ với 4.072 bị can phạm tội về tham nhũng; kết luận điều tra đề nghị truy tố 1.718 vụ, với 4.768 bị can.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” có tác dụng răn đe, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua.
Kinh nghiệm trong quá trình điều tra cho thấy, hành vi phạm tội có sự đan xen, gắn kết giữa hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và hành vi tham nhũng. Đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có cả cán bộ cấp cao, cả cán bộ trong lực lượng chống tham nhũng, có kiến thức, có kinh nghiệm, dùng mọi thủ đoạn đối phó và né tránh, che giấu sai phạm, tiêu hủy chứng cứ,… gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng quá trình điều tra, xử lý phải đánh giá đúng bản chất của vụ án, phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng để quyết định xử lý phù hợp, thấu tình, đạt lý, xử lý nghiêm những người chủ mưu, cầm đầu có hành vi sai phạm vì động cơ vụ lợi, cá nhân.