Câu chuyện của bạn Nguyễn Minh T., sinh viên năm 3 một trường đại học ở TP.HCM về việc bị lừa mua iPhone giá rẻ.
Giữa cái nắng oi ả của Sài Gòn, tôi đang dừng xe ở gần công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM) thì một chị bán vé số đến mời mua. Sau vài câu từ chối, người này lôi trong túi ra chiếc iPhone 6S với vẻ lén lút và hỏi: "Em ơi, chị mới nhặt được chiếc điện thoại, em xem giùm".
4 năm sống ở Sài Gòn, tôi đủ tỉnh táo để biết chiếc iPhone này có nguồn gốc không rõ ràng nên từ chối và nói không biết. Người bán vé số tiếp tục hỏi: "Cái này giờ bán được bao nhiêu?" Tôi trả lời chị ấy nên đem ra tiệm để họ trả giá.
Chị bán vé số cất điện thoại vào túi áo, trong lúc tôi chuẩn bị phóng xe đi thì người này bắt đầu phân trần: "Chị nhặt ven đường nhưng không biết dùng, em tắt nguồn giùm với".
"Đổi iPhone lấy cục gạch"
Để khỏi phiền hà, tôi định tắt nguồn chiếc iPhone rồi đi luôn. Trong lúc cầm máy, tôi bắt đầu xao động vì chưa dùng iPhone 6S bao giờ. Thấy tôi xem ngắm nghía điện thoại, người phụ nữ bắt đầu tấn công tâm lý dồn dập: "Em đang dùng điện thoại gì, em có điện thoại cục gạch không, chị chỉ biết dùng cục gạch, em có chị đổi cho".
Lúc này, tôi đã bắt đầu "thấm đòn", không còn giữ khoảng cách và quay qua trao đổi với người phụ nữ bán vé số.
Tôi trả lời với giọng có vẻ tiếc nuối: "Em không có điện thoại cục gạch, chị để mà dùng". Người phụ nữ này cất chiếc iPhone vào túi áo và hỏi bây giờ đem bán thì có được 5 triệu không. Tôi bảo không rõ nhưng chị để đấy xem ai mất người ta gọi tới cho họ chuộc.
Đòn knock-out vào lòng tham
Vẫn với vẻ lén lút, người phụ nữ bán vé số cầm chiếc iPhone 6S ra rồi mời gọi con mồi. "Hay em mua dùng đi, chị không biết dùng mà ra tiệm không rõ có bán được giá không".
Tôi từ chối với lý do không mang theo nhiều tiền. Đang định phóng xe đi trong tiếc nuối thì người phụ nữ gọi với lại: "Hay em đổi điện thoại của em cho chị." Tôi từ chối, người này ra đòn quyết định: "Vậy em có bao nhiêu, đưa đây chị bán cho".
Lúc này trong người tôi có khoảng 1 triệu đồng, tính qua tính lại thì đây vẫn là giá hời. Điều làm tôi lưỡng lự là nguồn gốc của chiếc điện thoại chứ không nghĩ nó có phải iPhone 6S thật hay không.
Sau một thoáng suy nghĩ, tôi quyết định móc hết tiền túi ra mua chiếc iPhone 6S với giá 1 triệu đồng. Người phụ nữ bán vé số lẩn nhanh vào con hẻm gần đó. Còn tôi cũng phóng xe vào trong đám đông với tâm thế nửa mừng nửa lo: "Mình vừa mua được 1 chiếc iPhone giá hời".
Từ màn hình hiển thị đến chữ, số của chiếc iPhone 6s nhái đều rất nhoè nhoẹt, độ phân giải thấp. |
Để an tâm, tôi dừng lại ven đường và mở điện thoại lên kiểm tra lại lần nữa. Máy khởi động, màn hình mở ra, các biểu tượng nhoè nhoẹt, hình ảnh xấu hơn cả smarphone vài triệu tôi đang dùng.
Khi hỏi một người bạn hiểu biết về điện thoại, tôi mới biết chiếc iPhone 6S là hàng nhái. Máy có vỏ nhựa ọp ẹp, chạy hệ điều hành Android, không thể dùng vì bị lag rất nặng.
Tôi bị sốc vì tiếc tiền, nhưng cũng mừng vì không phải mua điện thoại ăn cắp.
"Tiền nào của nấy"
Là một sinh viên, tôi không có tiền nên cần "thanh lý" máy. Tôi mang chiếc iPhone 6S nhái đi bán khắp các cửa hàng điện thoại từ nhỏ đến lớn nhưng đều bị từ chối.
Họ nói đây là hàng nhái để lừa đảo, cầm cho vui chứ không thể sử dụng hàng ngày. Tôi đem chiếc điện thoại về vứt góc nhà, không dám sạc pin vì sợ cháy nổ.
Ở Việt Nam, iPhone vẫn được xem là thứ hàng xa xỉ. Vì vậy, chiêu trò lừa bán iPhone nhái giá hời bắt đầu từ thời iPhone 4S, iPhone 5. Những kẻ lừa đảo thường đóng vai bán vé số, xe ôm, người đi đường mới nhặt được iPhone, không biết dùng và muốn bán lại với giá hời.
Mặc dù đã được cảnh báo nhưng vẫn không ít người nhẹ dạ như tôi, tham giá rẻ mà bị lừa. "Không thể có chuyện iPhone 6S có giá 1 triệu đồng, tiền nào của nấy", bạn tôi nói.
Theo Zing