Toàn cảnh buổi điều trần thứ 2 của Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ: Đáng thất vọng!

VietTimes – Trong buổi điều trần thứ 2 của Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ diễn ra vào đêm 11/4, CEO Facebook tiết lộ dữ liệu của ông cũng bị rò rỉ. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục của Facebook được cho là "đáng thất vọng".
Trong phiên điều trần thứ 2 trước Quốc hội Mỹ, ông Zuckerberg đã thừa nhận chính dữ liệu của mình cũng bị bán cho CA. Nguồn: BBC
Trong phiên điều trần thứ 2 trước Quốc hội Mỹ, ông Zuckerberg đã thừa nhận chính dữ liệu của mình cũng bị bán cho CA. Nguồn: BBC

Trong suốt 5 tiếng của buổi điều trần thứ 2 diễn ra vào đêm 11/4, ông Mark Zuckerberg tiết lộ chính dữ liệu của ông cũng bị lạm dụng trái phép. Ông cho biết Facebook phát hiện công ty Cambridge Analytica truy cập dữ liệu của 87 triệu tài khoản sau khi giáo sư Aleksandr Kogan của Đại học Cambridge bán thông tin thu thập từ ứng dụng “This is Your Digital Life”.

Ứng dụng “This is Your Digital Life” nằm dưới vỏ bọc là một bài kiểm tra tính cách nhưng thực tế nó không chỉ lấy đi dữ liệu của người sử dụng mà còn từ những người bạn của họ. Facebook hiện đang điều tra và xem xét truy cứu trách nhiệm của Đại học Cambridge, nơi giáo sư Kogan đã thực hiện hành vi trái phép.

Nghị sĩ Richard Blumenthal lấy dẫn chứng là điều khoản dịch vụ ông Aleksandr Kogan cam kết với Facebook, qua đó có kẽ hở để ông Kogan bán dữ liệu cho bên thứ 3. Nguồn: Twitter

Ông Zuckerberg nói: “Điều chúng tôi biết hiện nay là toàn bộ chương trình (của giáo sư Kogan) liên kết với đại học Cambridge nơi có một số nhà nghiên cứu khác phát triển các ứng dụng tương tự”. Ông nói thêm: “Vì vậy chúng tôi cần hiểu liệu điều gì tồi tệ xảy ra tại Đại học Cambridge và Facebook sẽ đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn”.

Trường Đại học Cambridge đã bày tỏ thái độ “ngạc nhiên” về phát biểu của ông Zuckerberg và cho rằng chỉ tới bây giờ ông mới cảnh giác về những ứng dụng các giảng viên phát triển: “Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã và đang công bố nghiên cứu khoa học như vậy từ năm 2013 trong các tạp chí khoa học và đã được kiểm duyệt bởi các phương tiện truyền thông quốc tế”.

“Những nghiên cứu này bao gồm một trong những dự án của ông Aleksandr Kogan vào năm 2015 cùng 2 nhân viên của Facebook. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các nhà nghiên cứu thu thập trái phép dữ liệu cá nhân”.

Trong phiên điều trần đầu tiên, ông Zuckerberg nhận lỗi vì không kiểm tra số thông tin cá nhân thu thập của Cambridge Analytica vào năm 2015. Thay vào đó, Facebook đã mù quáng tin vào xác nhận đã tiêu hủy toàn bộ dữ liệu được mua lại trái với quy tắc của mạng xã hội.

Ông Zuckerberg nói: “Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng sự cố liên quan tới (các nhà phát triển ứng dụng) ông Kogan và Cambridge Analytica sẽ không tiếp diễn”.

Video: Phiên điều trần thứ 2 của CEO Facebook, Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ đêm 11/4. Nguồn: energyandcommerce

CEO 33 tuổi của Facebook giải thích việc kiểm duyệt các ứng dụng khác mất nhiều tháng để hoàn thành. Nhưng công ty không có bằng chứng về việc Nga và Trung Quốc lấy đi thông tin của người dùng. Ông đã từ chối cam kết thay đổi tất cả cài đặt bảo mật mặc định của người dùng để hạn chế những vụ rò rỉ thông tin cá nhân vì “đây là một vấn đề phức tạp”.

Với tôi, điều này thật đáng thất vọng.Nghị sĩ đảng Dân chủ, Frank Pallone

Tuy nhiên, nhà sáng lập Facebook thừa nhận điều “không thể tránh” là mạng lưới Internet cần những quy định mới: “Vị trí của tôi không thể đưa ra các quy định (cho mạng Internet) nhưng tôi nghĩ rằng các nhà chức trách cần thận trọng với quy định đưa ra”.

Tại buổi điều trần thứ 2, ông Mark Zuckerberg đã đối mặt với cáo buộc mới từ Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Steve Scalise về thuật toán trên News Feed phân biệt đối xử với những tin tức bảo thủ và ưu tiên các bài viết tự do.

Ông Zuckerberg trả lời: “Hoàn toàn không có chỉ thị nào của công ty nhằm thay đổi để có sự thiên vị. Trái lại, mục tiêu của Facebook là trở thành nền tảng cho tất cả mọi ý tưởng”.

Nghị sĩ David McKinley đưa ra bằng chứng về chất gây nghiện được rao bán tràn lan trên Facebook. Nguồn: BBC

Nghị sĩ đảng Cộng hòa, David McKinley gây bất ngờ khi dẫn chứng các bức ảnh quảng cáo chất gây nghiện và ngà voi đăng tải trên trang Facebook của một nhóm kín ngay trong ngày hôm qua và cho rằng: “Facebook thực sự cho phép các hoạt động bất hợp pháp và làm tổn thương người khác”.

Ông Zuckerberg trả lời: “Có một số lĩnh vực mà Facebook cần làm để hoàn thiện chính sách kiểm duyệt” và Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tạo ra bộ lọc tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, các chính trị gia kêu gọi Facebook phải chủ động hơn về vấn đề này.

Nghị sỹ Lujan cho rằng Facebook nên áp dụng tính năng profile ẩn (shadow profiles) để hạn chế các vụ rò rỉ dữ liệu. Nguồn: BBC

Trong phiên chất vấn khác, lãnh đạo Facebook đã được yêu cầu giải trình về dữ liệu công ty thu thập trên những người không đăng ký sử dụng các nền tảng của Facebook. Ông Zuckerberg cho biết điều này phục vụ mục đích an ninh và từ chối cung cấp con số cụ thể. Ông Zuckerberg cũng tuyên bố sẽ không áp dụng “profile ẩn” (Shadow Profiles) mặc cho các phương tiện truyền thông đã đề cập rất nhiều để nâng cao tính bảo mật dữ liệu trên Facebook.  

Nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Ray Lujan đưa ra luận điểm: “Ông nói tất cả người dùng kiểm soát dữ liệu của họ nhưng lại đang thu thập dữ liệu về cả những người thậm chí không sử dụng Facebook và chưa đồng ý với các thỏa thuận sử dụng dữ liệu riêng tư”.