Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; Lãnh đạo Sở TT&TT Cần Thơ và 13 tỉnh phía Nam; Các trường Đại học Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Thành phố Cần Thơ...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Luật CNTT đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Vào thời điểm được ban hành, Luật CNTT được đánh giá là văn bản phù hợp với thực tiễn đã điều chỉnh một cách toàn diện về hoạt động CNTT.
Trong 10 năm triển khai Luật CNTT, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về CNTT đã được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho công tác ứng dụng và phát triển CNTT như Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 về Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử,… cùng nhiều chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn về CNTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình phát triển và ứng dụng CNTT, phát triển nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định và là lợi thế quan trọng để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội. Chính vì tầm quan trọng này, phát triển nguồn nhân lực CNTT là nhiệm vụ đầu tiên trong việc triển khai Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT tại Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/9/2010.
Ngoài ra, trong kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định 698/QĐ-TTg ngày 1/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 là “Xây dựng nguồn nhân lực CNTT đủ phẩm chất, năng lực làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại, với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời và thường xuyên nhu cầu xây dựng và phát triển xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Không ngừng nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng các ứng dụng và dịch vụ CNTT cho toàn xã hội. Đến năm 2020, 70% lao động trong các doanh nghiệp được đào tạo về CNTT”. Gần đây nhất, Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị cũng xác định việc ứng dụng và phát triển CNTT phải gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đặt mục tiêu “Phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho khu vực và thế giới”.
Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành liên quan ban hành một số văn bản nhằm tiếp tục tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực CNTT như Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 về quy chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT và Thông tư liên tịch 17/2016/TT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước triển khai tổng kết, đánh giá thi hành Luật CNTT thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: xây dựng báo cáo tổng kết, tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề và làm việc thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị, khu vực và vùng miền. Kết quả tổng kết, đánh giá sẽ là cơ sở để xây dựng các đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật CNTT và các văn bản dưới Luật CNTT phù hợp với thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về CNTT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, theo kịp với xu thế phát triển của thế giới.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Bộ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các địa phương và cộng đồng các doanh nghiệp, hiệp hội CNTT về các cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực CNTT cũng như công tác ứng dụng và phát triển CNTT nói chung nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn để triển khai ứng dụng và phát triển CNTT đạt hiệu quả cao”.
Cũng tại buổi tọa đàm, đồng chí Đào Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cho biết: “CNTT đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và CNTT đang được xác định như là hạ tầng của các hạ tầng kinh tế xã hội, đã trở thành phương tiện hữu hiệu hình thành nên một phương thức phát triển mới của các tổ chức, cá nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.
Qua 10 năm thi hành Luật CNTT cho thấy đây là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển CNTT trong đời sống xã hội; giúp cho công tác quản lý nhà nước lĩnh vực CNTT trên địa bàn thành phố đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thành phố ngày càng rộng rãi và đi vào chiều sâu thực chất; bên cạnh đó việc phát triển bùng nổ mạng Internet, mạng xã hội, truy cập di động… và các ứng dụng CNTT đã tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, góp phần rút ngắn không gian và thời gian, kết nối các cơ quan tổ chức, mọi người lại với nhau…Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của xã hội, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi phải có phương thức quản lý mới, có sự cập nhật và thay đổi phù hợp.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT về việc tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật CNTT, UBND thành phố Cần Thơ đã giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp các Sở ban ngành, địa phương tổng hợp góp ý và xây dựng Báo cáo tổng kết của UBND thành phố gửi Bộ vào ngày 14/7/2016 để góp phần cùng Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, hoàn thiện Luật CNTT phù hợp với tình hình phát triển mới.
Thành phố Cần Thơ đang quyết tâm đẩy mạnh ứng CNTT trong hoạt động của hệ thống các cơ quan nhà nước, hướng đến mục tiêu sớm hình thành chính quyền điện tử và định hướng phát triển đô thị thông minh đến năm 2030 nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng phát triển kinh tế xã hội thành phố với tốc độ nhanh hơn, chất lượng cao hơn, xứng tầm là đô thị trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL và cả nước”.
Sau buổi tọa đàm, ngày 4/11, cũng tại Thành phố Cần Thơ sẽ diễn ra “Hội thảo sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt năm 2016” và “Hội nghị kết nối sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt năm 2016”.
Theo MIC