Tin chính thức vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, cảnh báo nguy hiểm ở 2 khối nhà còn lại

Phó bí thư thường trực Quận ủy quận Hoàn Kiếm Nguyễn Hoàng Long vừa có báo cáo nhanh gửi Thành ủy, UBND về vụ sập nhà biệt thự cổ số 107 phố Trần Hưng Đạo.
Vụ sập nhà biệt thự cổ đã khiến 2 người chết, 5 người bị thương.
Vụ sập nhà biệt thự cổ đã khiến 2 người chết, 5 người bị thương.

Theo báo cáo nhanh, vào hồi 12h45 phút ngày 22.9.2015, tại ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm xảy ra sự cố sập nhà làm 2 người chết.

Cụ thể, diễn biến vụ việc như sau: Ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo là trụ sở làm việc của Tổng cục Đường sắt Việt Nam, đang giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt khu vực 1 quản lý, vào thời điểm sập nhà có 35 cán bộ làm việc. 

Theo ông Long, tòa nhà này được xây dựng từ thời Pháp (khoảng năm 1905), có 3 khối nhà, gồm: Khối 1 (mặt tiền) 2 tầng; Khối 3 ở phía trong nhà bị sập: 2 tầng; Khối 2 (bị sập) là hội trường được xây kiểu hình mái vòm, diện tích khoảng 300m2. Hai bên phía Hội trường có hành lang lửng bố trí nơi làm việc cho cán bộ nhân viên. Giáp 2 bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Thời gian sập nhà diễn ra vào buổi trưa, trước khi sập đổ có rung lắc nên Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 đã kịp thời sơ tán toàn bộ cán bộ, công nhân viên.

Hiện nay, khối nhà số 2 bị sập toàn bộ hội trường mái vòm, khối nhà trước và chỉ chịu tác động vỡ một số cửa kính không bị sập. 

Ngôi nhà này đã sập theo phương thẳng đứng và một phần gạch vỡ của công trình đã đổ tràn sang 2 bên lối đi bên cạnh, dẫn đến làm một số người bị thương và hư hỏng tài sản. 

Ngay sau khi nhận được tin báo sập nhà, Quận ủy Hoàn Kiếm đã chỉ đạo UBND quận và các lực lượng chức năng của quận, phường tham gia ứng cứu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo UBND Thành phố, chỉ đạo các Sở ngành (Công an Thành phố, Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Cảnh sát PCCC Hà Nội, Công an Thành phố) và các lực lượng liên quan hỗ trợ các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Cụ thể, bố trí toàn bộ lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ, để giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản. 

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn gồm hàng trăm chiến sĩ quân đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã tổ chức tìm kiếm và đưa 7 người bị nạn (6 nữ và 1 nam) ra khỏi hiện trường đi cấp cứu tại bệnh viện.

Các nạn nhân được xác định gồm: 

Vũ Thị Thúy Hằng – 37 tuổi, (Nơi ở: 107 Trần Hưng Đạo); 

Nguyễn Thị Tiêu – 64 tuổi (Nơi ở: 107 Trần Hưng Đạo); 

Tàu Thị Hiện – 50 tuổi (Nơi ở: Thanh Oai); 

Nguyễn Văn Nức – 44 tuổi (Nơi ở: Văn Lâm - Hưng Yên); Trần Thị Nga – Khoảng 60 tuổi, chưa xác định được quê quán do bà Nga bị câm; 

Lê Thị Quý Hường – 47 tuổi (Nơi ở: Thôn Bạch Liên, xã Liên Phương, Thường Tín, Hà Nội); 

Trần Thị Nga – 36 tuổi (Nơi ở: 6C Ngõ 450 Bạch Đằng, phường Chương Dương, Hoàn Kiếm). 

Tính đến 18 giờ ngày 22.9.2015, xác định có 2 trường hợp tử vong là bà Lê Thị Quý Hường và Trần Thị Nga (36 tuổi); một trường hợp bị thương nặng là Vũ Thị Thúy Hằng (chấn thương sọ não, chấn thương xương chậu). 

Tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo điều kiện thuận lợi để các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ thực hiện nhiệm vụ. 

Tổ chức sơ tán các hộ dân bị ảnh hưởng (thống nhất với Sở Xây dựng bố trí nơi tạm cư cho 16 hộ dân với 61 nhân khẩu bị ảnh hưởng, hiện không có nơi ở đến tạm cư tại nhà CT1 – Định Công). 

Quận ủy, HĐND, UBND quận đã tổ chức thăm hỏi động viên các nạn nhân tại các bệnh viện, bước đầu hỗ trợ: mức 1.500.000 đồng/ 1 người bị thương và 500.000 đồng/1 người chết. 

Giao Công an quận, phường và các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra canh gác, trực an ninh trật tự và đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố. 

Hiện nay, Quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các Sở, ngành Thành phố và các lực lượng liên quan chỉ đạo các đơn vị trong quận tiếp tục khắc phục sự cố sập nhà tại 107 phố Trần Hưng Đạo. Công an Thành phố Hà Nội và các cơ quan chuyên môn kỹ thuật đã triển khai lực lượng tiến hành khám nghiệm hiện trường và định nguyên nhân ngôi nhà bị sập.

Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm báo cáo nhanh về tình hình cứu nạn, cứu hộ để Thành ủy, UBND Thành phố tường.

Trao đổi với PV Báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Hoàng Long cho hay, chính quyền địa phương đã tổ chức lo chỗ ở tạm cho 5 hộ dân sinh sống tại số nhà 107 bị sập về tòa nhà CT1 KĐT Định Công. Toàn bộ chi phí đi lại, điện nước sẽ do TP. Hà Nội lo.

Tối 22/9, không khí hoảng loạn, đau thương vẫn bao trùm cả dãy phố, quanh khu vực căn biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa bị đổ sập. Hiện trường là những đống đổ nát ngổn ngang, bụi bặm. 

Hàng trăm chiến sỹ bộ đội, công an của Hà Nội và lực lượng chức năng liên quan đang nỗ lực không mệt mỏi để giải cứu người còn bị mắc lại trong khu vực tòa nhà và khắc phục sự cố vụ sập gây ra.

Có mặt ngay sau khi xảy ra vụ sập nhà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã yêu cầu các lực lượng chức năng khoanh vùng và hạn chế, cấm đi lại trong tầm ảnh hưởng của biệt thự bị đổ, do kết cấu ngôi nhà đã bị thay đổi, hiện còn hai khối nhà chênh vênh có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Đồng quan điểm, các chuyên gia xây dựng cũng cảnh báo tình trạng nguy hiểm ở hai khối nhà còn lại tại căn biệt thự cổ này. 

Do căn nhà qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, cộng với thời tiết mưa liên tục những ngày qua khiến cho các bức tường bị thấm nước, làm giảm khả năng chịu lực. 

Tình trạng này cảnh báo hai khối nhà còn lại có thể đổ sập bất cứ lúc nào, cần di tản các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Ông Dương Trọng Liêm, người dân sống cạnh căn biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa bị sập, vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết: "Vụ đổ sập quá bất ngờ và đau thương. Gia đình tôi và các hộ dân liền kề căn nhà bị sập đang rất lo lắng cho cuộc sống sắp tới. Đường vào nhà chen kín gạch đá và bêtông, nguy hiểm hơn là không biết khi nào khối nhà còn lại đổ sập. Rất mong các cấp chính quyền nhanh chóng có giải pháp giúp đỡ người dân chúng tôi tránh nguy hiểm, an cư, sớm ổn định cuộc sống."

Căn biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam). Nhà được xây dựng từ thời Pháp có 3 khối gồm: khối 1 (mặt tiền) 2 tầng, khối 2 bị sập là hội trường được xây dựng kiểu kính mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300m2, 2 bên phía hội trường có hành lang lửng bố trí nơi làm việc của cán bộ, nhân viên và khối 3 là khu phía trong có 2 tầng. 

Giáp 2 bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Khi xảy ra sập, ngôi nhà đã sập theo phương thẳng đứng và một phần gạch vỡ của công trình đã đổ tràn sang 2 bên lối đi, dẫn đến nhiều người bị thương vong và hư hỏng tài sản.

Theo VietNam+, Một thế giới