Cuối tháng 6, chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm khoảng 60 ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có TikTok. Lệnh cấm lập tức lấy đi thị trường có số lượng người dùng lớn nhất của nền tảng video này, với hơn 200 triệu người dùng.
Ấn Độ cho rằng các ứng dụng trong danh sách cấm “đe dọa tới chủ quyền và an ninh quốc gia”, cụ thể là những ứng dụng này đã thu thập dữ liệu của người dùng Ấn và bí mật chuyển về các máy chủ đặt tại Trung Quốc.
Tuần đầu tiên của tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ xem xét cấm TikTok là một trong những đòn trừng phạt Trung Quốc liên quan tới virus corona. Khác với Ấn Độ, lệnh cấm sử dụng TikTok tại Mỹ có thể gây ra nhiều tác động vĩ mô hơn rất nhiều.
Sẽ mất thị trường lớn thứ 3
Theo số liệu thống kê của tổ chức Sensor Tower, Ấn Độ là quốc gia có số lượng lượt tải TikTok nhiều nhất với 611 triệu lượt, đứng thứ 2 là Trung Quốc với 196,6 triệu lượt và thứ 3 là Mỹ với 165 triệu lượt cài đặt.
Tháng 11/2018, TikTok từng xác nhận họ có khoảng 20 triệu người dùng hàng tháng tại thị trường Mỹ. Theo phân tích của công ty Wallaroo Media, con số này đã tăng lên khoảng 80 triệu vào tháng 7/2020, sau khi ghi nhận lượng người dùng tăng đột biến trong mùa dịch Covid-19.
Như vậy, nếu lệnh cấm chính thức áp dụng tại Mỹ, TikTok sẽ mất đi thị trường lớn thứ 3 của họ với khoảng 80 triệu người dùng hàng tháng.
Không những mất đi khoảng 80 triệu người dùng, lệnh cấm sẽ khiến TikTok mất thêm một nguồn thu nhập lớn từ các đơn vị quảng cáo.
Cụ thể, Trung Quốc đứng đầu về việc chi tiêu trên TikTok với 331 triệu USD, chiếm 72,3%. Mỹ xếp thứ 2 về chi tiêu với hơn 86,5 triệu USD, tương đương 19%, số liệu từ tổ chức Sensor Tower.
Chịu thêm áp lực từ các doanh nghiệp Mỹ
Những tin tức về việc chính phủ Mỹ cân nhắc cấm ứng dụng TikTok bắt đầu từ ngày 6/7. 3 ngày sau đó, Amazon gửi email cho toàn bộ nhân viên, yêu cầu họ xóa TikTok khỏi điện thoại "có kết nối với email công ty" vì những lo ngại về bảo mật thông tin của doanh nghiệp.
Chiều cùng ngày, người phát ngôn chính thức của Amazon bác bỏ nội dung được ghi trong email, xác nhận đó là lỗi kỹ thuật của hệ thống. Amazon khẳng định "không có sự thay đổi trong chính sách với ứng dụng TikTok".
Nếu email cấm sử dụng TikTok của Amazon tại Mỹ là thật, quy định này ngay lập tức được áp dụng với khoảng 800.000 nhân viên, số liệu từ Statista cập nhật vào tháng 1/2020.
Ngày 11/7, ngân hàng Wells Fargo & Co. đã chính thức yêu cầu các nhân viên của họ xóa và không được sử dụng TikTok trên các thiết bị do công ty cấp.
"Bên cạnh những lo ngại về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của TikTok, chúng tôi cho rằng thiết bị của công ty chỉ nên phục vụ cho công việc", đại diện của Wells Fargo & Co. trả lời The Verge.
Theo số liệu cập nhật tháng 2/2020 trên Statista, tập đoàn tài chính Wells Fargo có khoảng 259.000 nhân sự.
Một số 'ngôi sao' chủ động rời bỏ TikTok
Ngay sau khi tin tức chính phủ Mỹ xem xét cấm TikTok xuất hiện, nền tảng này bị một lỗi kỹ thuật khiến hàng loạt video tại Mỹ chỉ hiển thị 0 lượt xem vào ngày 9/7. Sự cố khiến nhiều người dùng tin rằng lệnh cấm sẽ sớm được ban hành.
"Khi thấy video chỉ hiện 0 lượt xem, tôi nghĩ đó là sự kết thúc của TikTok", Gibson, chủ tài khoản TikTok có hơn 4,6 triệu người theo dõi, nói với Reuters.
Khi yêu cầu cấm sử dụng TikTok tại Mỹ vẫn còn đang trong giai đoạn "xem xét", tin tức đã khiến nhiều người dùng lo lắng, một số lên kế hoạch chuyển sang các ứng dụng khác.
Tiêu biểu là game thủ Tyler Blevins, còn được biết với cái tên "Ninja", anh là một trong những streamer có thu nhập cao nhất trong năm 2019, sở hữu tài khoản TikTok với hơn 4 triệu người theo dõi. Anh tuyên bố đã xóa ứng dụng này ra khỏi điện thoại vì lo ngại về quyền riêng tư.
Gần đây, những video với nội dung chào tạm biệt TikTok cũng liên tục xuất hiện không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Cụ thể, hashtag #byebyeTikTok có hơn 10,2 triệu lượt xem, #byeTikTok có 31,6 triệu lượt xem và #TikTokban (cấm TikTok) có hơn 231 triệu lượt xem.
Sau phát biểu của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo, các ứng dụng có chức năng giống như TikTok ghi nhận lượng tải về tăng đột biến.
Theo số liệu từ Apptopia, những ứng dụng cạnh tranh với TikTok tại thị trường Mỹ như Byte, Dubsmash, Triller và Likee đều có lượng tải về tăng nhanh. Như Dubsmash tăng gấp đôi lượt tải về lên 46.000 chỉ trong một ngày, trong khi Byte tăng gấp 8 lần lượng người tải về chỉ trong một đêm 9/7.
Sau khi TikTok bị cấm tại Ấn Độ, người dùng cũng có xu hướng chuyển sang các ứng dụng có chức năng tương tự. Ví dụ như đối thủ trực tiếp của TikTok tại thị trường Ấn là Roposo, ứng dụng này có thêm 22 triệu người dùng chỉ sau 2 ngày lệnh cấm tại Ấn Độ được ban hành.