Thành công về tin học
Nhận ra xu thế của xã hội phải sử dụng CNTT từ cách đây hơn 20 năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội về chuyên ngành cơ khí ô tô, KS Lưu Hải Minh đã lao vào học ngay văn bằng 2 về CNTT tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Và từ khi chưa tốt nghiệp, với một số vốn không nhiều anh đã thành lập một doanh nghiệp CNTT là Công ty TNHH Nhật Hải (OIC) với trụ sở đóng tại Lý Nam Đế - phố tin học của Hà Nội.
Được sự hỗ trợ của một số đối tác lớn trong lĩnh vực phân phối sản phẩm CNTT, OIC đã chiếm lĩnh thị trường bán lẻ máy tính và thiết bị tin học. Sau đó, khi thị trường Internet mở ra năm 1997, OIC đã làm đối tác Cao cấp cho Cisco – Mỹ. Ngoài ra OIC cũng phát triển thị trường về giải pháp phần mềm và đã cung cấp trọn gọi cả phần cứng cho một số bệnh viện như Viện 5, viện 9 Bộ Quốc phòng.
OIC cũng tham gia cả thị trường gia công phần mềm cho nước ngoài và cả phát triển game online. Các sản phẩm và giải pháp của OIC cũng đã giành giải thưởng Sao Khuê của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam vào năm 2006 và năm 2009. Ngoài ra, OIC cũng được giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 5 năm liên tục, 2008,2009,2010,2011, 2013. Và OIC đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng năm 2010 và Huân chương Lao động Hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng vào năm 2012 vì những thành tích nổi bật trong lĩnh vực CNTT.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lưu Hải Minh cũng sớm nhận ra một thực tế là sẽ tới một ngày, các đối tác nước ngoài sẽ bán thẳng sản phẩm máy tính của mình cho các dự án CNTT của nhà nước và qua các kênh phân phối chuyên nghiệp như các siêu thị điện máy. Anh nhận ra điều này khi còn chưa học song tấm bằng tiến sĩ về kinh tế. Hơn nữa, nếu làm mãi về CNTT cũng chỉ thuần túy là phân phối sản phẩm mà không có công nghệ riêng của mình. Vì thế, năm 2009, OIC đã quyết định chia tay thị trường CNTT để chuyển sang một lĩnh vực mới là công nghệ nano. Điều mà OIC tự hào sau khi chia tay thị trường CNTT là đã có tới 30 doanh nghiệp làm CNTT ra đời từ chính đội ngũ nhân viên của mình và mỗi khi gặp lại nhau thì mọi người đều không quên ôn lại các kỷ niệm cũ.
Bước vào công nghệ nano
Kiếm được một lưng vốn kha khá, năm 2009 OIC bước vào thị trường công nghệ nano. Ngay sau khi bước chân vào thị trường này, OIC đã được một số địa phương chào mời mà điển hình là Quảng Ninh. Không chỉ nhận được các chính sách ưu đãi, thậm chí tỉnh Quảng Ninh còn cấp vốn cho OIC để làm công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra không như mong đợi bởi tuy được cấp vốn nhưng thủ tục quá nhiêu khê và mất nhiều thời gian.
Tiến sĩ Lưu Hải Minh cho biết, OIC tham gia vào công nghệ nano với 3 lĩnh vực là nano kim loại, nano nông nghiệp và nano hợp chất thiên nhiên. Nano kim loại thường dùng làm sơn kháng khuẩn song vì vấn đề an toàn nên anh chưa làm. Còn với nano nông nghiệp, anh đã làm là với vỏ tôm để sử dụng làm phân bón. Công nghệ này do một đối tác Nhật Bản cung cấp. Tuy nhiên, do không đăng ký được giấy phép tại Việt Nam nên OIC chưa thể triển khai sản xuất.
Và thế là OIC chỉ còn lại một lựa chọn là nano hợp chất thiên nhiên với sản phẩm cụ thể Nano curcumin dạng dung dịch, một loại sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. OIC đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng Độc quyền Sáng chế số 16095 với sản phẩm này năm 2016. Vấn đề còn lại sau đó là cần được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ để nhận được những sự ưu đãi của nhà nước. Việc này khó đến mức đúng ngày chỉ 1 ngày trước khi nghỉ hưu năm 2016 thì Bộ trưởng Nguyễn Quân mới chính thức xuống bút ký.
Với thị trường nano curcumin hiện không chỉ có một mình OIC làm. Và nếu cũng làm như các đơn vị khác thì OIC không thể thành công vì đó là dạng bột và khi pha vào nước sẽ thủy phân một số chất. Vì thế, OIC đặt mục tiêu sản phẩm của mình phải giữ được cấu trúc phân tử curcumin tinh khiết tới 98% với hạt nano dạng hình cầu để sản phẩm tan được hoàn toàn trong nước.
Không phải là chuyên gia về hóa sinh, đương nhiên Tiến sĩ Lưu Hải Minh phải hợp tác với các nhà chuyên môn. Họ rất nhiệt tình trong công tác nghiên cứu, chuyển gia. Song đến khi đưa vào sản xuất thì sự hợp tác đó không duy trì được như mong muốn. Nguyên nhân vì các nhà khoa học trong nước xem ra vẫn mải mệ nghiên cứu khoa học bằng vốn ngân sách hơn là lao vào việc đưa sản phẩm ra phục vụ nhu cầu xã hội.
Vậy còn máy móc cho việc chế biển sản phẩm, OIC đã làm thế nào? Đến đây, tấm bằng kỹ sư cơ khí của Tiến sĩ Lưu Hải Minh đã phát huy tác dụng. Bản thân anh đã tự thiết kế, lắp ráp ra dây chuyền máy móc để tinh chế nano curcumin dạng dung dịch dựa trên các sản phẩm, linh kiện được nhập về từ nước ngoài. Rất may, chỉ đến lần thử nghiệm thứ 2, dây chuyền máy móc của anh đã đạt yêu cầu.
Tiến sĩ Lưu Hải Minh cho biết, suốt trong gần 7 năm từ 2009 đến 2016, OIC chỉ có đốt tiền để nghiên cứu, chế thử sản phẩm. Và mỗi lần kiểm thử xem sản phẩm có đạt yêu cầu đặt ra hay không ở các cơ quan có đủ máy móc chuyên dụng của nhà nước cũng phải tốn những khoản tiền không nhỏ.
Hiện nay, sản phẩm nano curcumin dạng dung dịch của OIC được sản xuất tại dây chuyền đặt tại Công ty Dược Trường Thọ với GMP WHO tại Nam Định với năng suất 20.000 – 30.000 sản phẩm/năm. Sản phẩm đã có bán ở Việt Nam tại 30 tỉnh, thành phố và đã có mặt tại một số nước như Nhật Bản, Ba Lan, Đức và Mỹ.
Tham vọng của OIC là tiếp tục làm sản phẩm công nghệ nano với khoảng 20/100 hợp chất thiên nhiên khác. Đây là một định hướng đầu tư đúng khi mà sức khỏe con người ngày càng là vấn đề hàng đầu của xã hội. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lưu Hải Minh cũng cho biết, sản phẩm của mình không phải là thần tiên với căn bệnh ung thư mà chỉ là hỗ trợ điều trị. Và nano curcumin dạng dung dịch của OIC cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị với ung thư hệ tiêu hóa chứ không phải là với các loại ung thư khác.
Cuối cùng, trước câu hỏi xem anh có lời khuyên gì cho các bản trẻ nhảy vào thị trường của doanh nghiệp khoa học công nghệ? Tiến sĩ Lưu Hải Minh cho rằng: "Quan trọng nhất là không bỏ cuộc. Để sở hữu và phát triển được sản phẩm của mình thì “đốt tiền” là dễ hiểu nhưng phải “nhóm được lửa”".