Ngày 16/2, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Trần Đình Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng liên quan đến Đề án 6575/QĐ-TU về xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ cho Đà Nẵng đến năm 2025.
- Xin ông cho biết xuất phát từ đâu mà Thành ủy Đà Nẵng phải ban hành Đề án này?
Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chính sách lớn nhằm tạo được nguồn cán bộ dồi dào, được đào tạo bài bản như thu hút nhân tài, cử cán bộ tham gia đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ cho các chức danh chủ chốt phường, xã …
Đồng thời, trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã có chủ trương và đề nghị các Thành ủy viên tiến cử cán bộ trẻ có triển vọng phát triển để Thành ủy quan tâm theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội phát triển.
Từ đó, thành phố đã chuẩn bị được đội ngũ cán bộ trẻ kế cận, khắc phục dần tình trạng bị động, hụt hẫng cán bộ; chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Tuy nhiên, công tác cán bộ trẻ còn một số mặt hạn chế như: tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa bảo đảm theo quy định, cơ cấu cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa.
Trong khi đó, Đà Nẵng đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quá trình thực hiện chủ trương thu hút nhân tài và Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã tạo được nguồn cán bộ dồi dào, được đào tạo bài bản, nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể để phát huy hết hiệu quả những cán bộ này.
Đây chính là sự cần thiết phải ban hành Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo” với mục tiêu phấn đấu đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ đến đạt tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy theo quy định của Trung ương. Trong đề án, chủ trương tiến cử cán bộ trẻ được tiếp tục triển khai, đồng thời mở rộng hơn cả về đối tượng được quyền tiến cử và đối tượng tiến cử.
- Vì sao Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng không đưa ra số tuổi là 40 mà lại chọn khung tuổi dưới 35. Liệu có quá trẻ hay không thưa ông?
Bên cạnh các yếu tố được đào tạo bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có năng lực, có uy tín, có thành tích trong thực tiễn công tác như tiêu chuẩn của Đề án đã quy định… thì ở độ tuổi dưới 35, cán bộ vừa có thời gian trải nghiệm thực tiễn sau một thời gian tốt nghiệp bậc đại học, đồng thời còn đủ thời gian để được đào tạo và thử thách rèn luyện trước khi tính toán bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn, đáp ứng quy định hiện nay của Trung ương về độ tuổi cán bộ trẻ cấp tỉnh, thành phố là dưới 40. Đó là lý do để thành phố xem xét đưa ra tiêu chuẩn “có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia đề án”.
- Tại sao không thi tuyển mà tiến cử cán bộ thưa ông?
Được tiến cử tham gia Đề án không có nghĩa là mặc nhiên cán bộ đó lập tức được đưa vào các vị trí chủ chốt của thành phố. Trong Đề án cũng đã nêu rõ sẽ “đưa ra khỏi Đề án những cán bộ không có triển vọng phát triển, thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ thử thách được giao”.
Điều này có nghĩa là việc tiến cử cán bộ tham gia Đề án chỉ là bước đầu của một quá trình xem xét đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách trước khi đảm nhận các vị trí chủ chốt vì vậy việc tập thể bầu hay tổ chức thi tuyển chỉ là một bước - bước sàng lọc, lựa chọn - của cả quá trình. Trong Đề án cũng đã nói rõ sẽ “Tăng cường tổ chức cho cán bộ tham gia Đề án và cán bộ trẻ đủ điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực chuyên môn theo quy định của Trung ương”. Vì vậy, chúng ta cần xem xét tính liên tục, tương quan của quá trình tiến cử tham gia đề án, đào tạo thử thách, sàng lọc lựa chọn vào vị trí cũng như phát triển cán bộ ở cấp cao hơn.
- Nhiều ý kiến lo ngại khi tiến cử sẽ khó tránh khỏi được việc người tiến cử sẽ đề bạt người thân quen, chứ không thiên về tài đức, vậy Đà Nẵng đã có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?
Trong Đề án đã nói rõ: “Người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển; sẽ được biểu dương, khen thưởng khi cán bộ lập được thành tích và phát triển tốt, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân khi cán bộ sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền”.
Do vậy, người tiến cử phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ trẻ phát triển, đặc biệt là phải nắm rõ về chính trị hiện nay của cán bộ trẻ mà mình giới thiệu. Nếu cán bộ trẻ đó nỗ lực phấn đấu phát triển tốt, người tiến cử được biểu dương, khen thưởng.
Ngược lại, người tiến cử phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu cán bộ trẻ do mình tiến cử không nỗ lực phấn đấu, quá trình công tác có sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật Đảng. Quy định mới này yêu cầu cao về trách nhiệm của người có quyền tiến cử cán bộ trẻ.
Tiến cử rồi, anh phải theo sát quá trình nỗ lực phấn đấu, rèn luyện thử thách của cán bộ trẻ chứ không phải tiến cử rồi bỏ mặc hoặc tiến cử rồi quên. Uy tín của người được quyền tiến cử gắn liền kết quả phấn đấu của cán bộ trẻ.
Trên cơ sở đánh giá cán bộ, cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị loại khỏi Đề án những người không có triển vọng phát triển, người chưa xứng đáng như đã đề cập ở trên để tránh xảy ra những trường hợp tiến cử không dựa trên tiêu chuẩn quy định. Tôi tin rằng cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền sẽ hết sức suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn trước khi tiến cử cán bộ tham gia Đề án lần này.
- Vậy những ai là người được quyền tiến cử và cán bộ trẻ được tiến cử phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào, thưa ông?
Theo Đề án, người tiến cử là các Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và tương đương; bí thư quận ủy, huyện ủy, chủ tịch UBND quận, huyện và tương đương được tiến cử cán bộ trẻ của cơ quan, đơn vị mình hoặc trên địa bàn thành phố nói chung.
Người được tiến cử là những cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ dưới 35 tuổi. Ở cấp thành phố gồm: Từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể. Cấp quận, huyện gồm: Từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể. Cấp phường, xã gồm: bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND.
Tiêu chuẩn tham gia Đề án: Tốt nghiệp đại học chính quy công lập (bằng 1) hoặc tốt nghiệp đại học trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ Giáo dục-Đào tạo công nhận; kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên; khả năng ngoại ngữ tối thiểu ở trình độ B1 châu Âu; trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên và đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định; có thực tiễn ít nhất 5 năm công tác tại các cơ quan thuộc thành phố Đà Nẵng, có thành tích tiêu biểu, uy tín tại nơi công tác.
- Thưa ông, việc tiến cử cán bộ trẻ tham gia Đề án này phải bảo đảm những yếu tố nào để không có trường hợp tiến cử xong lại có dư luận cho rằng có tiêu cực hoặc không công bằng?
Như tôi đã nói, Đề án lần này quy định rất rõ trách nhiệm của người được tiến cử. Những cán bộ trẻ sau khi được tiến cử phải qua sự sàng lọc, đánh giá của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan này sẽ tiến hành thu thập thông tin, lấy ý kiến tham khảo cả tập thể cấp ủy, tập thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị nơi người được tiến cử đang công tác.
Trên cơ sở đánh giá cán bộ, cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị loại khỏi Đề án những người không có triển vọng phát triển, người chưa xứng đáng nhất trong cơ quan, đơn vị đó. Với việc sàng lọc đầu vào, Đề án này sẽ không để xảy ra những trường hợp được tiến cử mà có dư luận đánh giá rằng thiếu công tâm, khách quan, công bằng.
Như vậy, người được quyền tiến cử trước khi tiến cử phải có sự đánh giá, lựa chọn chính xác đúng đối tượng, công tâm, khách quan để khi công bố nhận được sự đồng thuận của tập thể cơ quan, đơn vị mình. Nếu sau khi tiến cử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định cho thấy có sự thiếu công tâm, khách quan và không có sự đồng thuận của đa số trong tập thể đơn vị, chắc chắn uy tín của người thủ trưởng tiến cử sẽ bị ảnh hưởng. Tôi tin rằng những người được quyền tiến cử sẽ rất cân nhắc, sáng suốt khi tiến cử cán bộ trẻ.
- Trân trọng cảm ơn!
Cũng liên quan đến Đề án này, ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: "Về cơ bản, tôi ủng hộ chủ trương này vì đây là chính sách tạo nguồn cán bộ trẻ. Để tránh tình trạng thân quen trong việc tiến cử, đề án đã đưa ra một số qui định rồi.
Ai đảm bảo các điều kiện đó mới đưa vào danh sách tuyển chọn để đào tạo. Việc tiến cử chỉ mang tính chất giới thiệu, các cơ quan chức năng thẩm định và tham mưu cho Ban Thường vụ.
Còn việc động viên người lớn tuổi thì phải làm để có chổ đưa người vào đào tạo, thời gian qua nhanh một nhiệm kỳ hết trẻ ngay kia mà. Đề án mang tính tạo nguồn từ cán bộ trẻ, đưa vào vị trí cấp phó ở các đơn vị để rèn luyện và thực tế ở các nơi cũng đang quan tâm đến việc tạo nguồn như vậy, chỉ có cách làm cụ thể thì mỗi địa phương có đặc thù riêng.
Tôi tin rằng cách làm chắc phải cụ thể hơn, các ngành chức năng phải cụ thể hoá từng công đoạn. Phải công khai minh bạch thì chủ trương mới đem lại kết quả tốt. Theo tôi nghĩ không phải ai lớn tuổi cũng động viên nghĩ, vấn đề động viên ai là phải có sự cân nhắc kỹ!".
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu