"Tịch thu xe ngay lần đầu là không ổn"

Đó là một trong những ý kiến phản ứng với đề xuất tịch thu xe nếu lái xe say rượu. Chưa kể mối lo ngại tăng quyền cho CSGT sẽ làm gia tăng tình trạng đưa - nhận hối lộ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có 60% vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu bia. Trong chín ngày nghỉ tết có hơn 40.000 trường hợp cấp cứu do TNGT - Đó là những con số được đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Y tế dẫn ra tại hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn” do Trung tâm Giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp với Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải tổ chức ngày 11-3.

Vội vàng là hỏng việc

TS Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, băn khoăn về tính công bằng của quy định, bởi “tịch thu một chiếc xe 30 tỉ đồng khác với chiếc xe công nông hai triệu đồng”. Ông Thư cũng đặt trường hợp chủ của phương tiện 30 tỉ đồng đó không có lỗi, mà lỗi thuộc về tài xế. Nếu đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia được chấp thuận thì sẽ tịch thu phương tiện của chủ, sau đó người tài xế phải bồi thường. Nhưng anh ta sẽ lấy tiền đâu để bồi thường?

“Tôi ủng hộ phải có chế tài mạnh nhưng chế tài như thế nào là phù hợp? Tôi thiên về hướng không phạt quá nặng. Chúng ta cứ nhầm tưởng phạt nặng thì hết tai nạn nhưng không phải. Chế tài xử phạt phải tương ứng với yếu tố lỗi” - TS Thư kết luận.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại hội thảo.

“Anh nói rất chuẩn rồi đấy. Vậy anh có gợi ý gì không? Thế nào là nặng vừa đối với xe máy, nặng vừa với ông đi Matiz, nặng vừa với ông Rolls - Royce…?” - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng lập tức hỏi ông Thư.

Đáp lại, ông Thư cho rằng chế tài nặng hay nhẹ phụ thuộc vào yếu tố lỗi. “Anh vi phạm càng nhiều lần thì chế tài càng nặng, không loại trừ việc tịch thu. Anh vi phạm nhiều lần, tôi tước bằng lái rồi mà anh vẫn vi phạm thì tịch thu phương tiện. Nhưng nếu CSGT rình ở đâu đó, bắt được người say rượu điều khiển phương tiện rồi tịch thu ngay thì không ổn. Sẽ có vô vàn dích dắc chưa thể tính toán hết được, nếu chúng ta vội vàng là hỏng việc” - ông Thư nói.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, đến từ Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho rằng cơ quan đề xuất cần tổ chức điều tra kỹ lưỡng. “Nếu tịch thu phương tiện sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề: Tôi đi xe Lexus, chắc chắn tôi phải “xì” tiền ra chứ không thể để mất xe. CSGT thì không thể giám sát hết được. Vì vậy, tôi đề nghị nên tạm dừng đề xuất này để nghiên cứu chặt chẽ, hoàn chỉnh hơn” - ông Hùng nói.

Quay camera làm bằng chứng

Đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật, ông Ngô Dương góp ý: Tịch thu phương tiện luôn luôn là hình thức xử phạt bổ sung, không phải là hình phạt chính. “Chúng ta phải có hệ thống theo dõi, có quy định về vấn đề tái phạm. Chỉ tái phạm mới tịch thu phương tiện” - ông Dương đề xuất. Đồng tình, ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương bổ sung, muốn làm được điều này cần xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính nói chung và giao thông nói riêng.

Theo luật sư Trần Vũ Hải, đa số các ý kiến phản đối đề xuất tịch thu phương tiện là do lo ngại tăng quyền cho CSGT, làm gia tăng tình trạng đưa - nhận hối lộ và tịch thu phương tiện tùy tiện. Để khắc phục việc này cần quy định một số biện pháp như: Chỉ giao cho chủ tịch UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh thẩm quyền ra quyết định tịch thu; việc kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phải theo kế hoạch, quy trình được chủ tịch UBND cấp tỉnh thông qua, quay video làm bằng chứng...

Cũng theo luật sư Hải, nếu Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 171/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) được ban hành, cần quy định riêng về hình thức xử phạt tịch thu phương tiện sẽ chỉ áp dụng sau sáu tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực. Mục đích để thông tin rộng rãi cho dân chúng biết.

Kết thúc hội thảo, ông Khuất Việt Hùng cho biết Bộ GTVT sẽ kiến nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 171/2013 theo lộ trình rút gọn, tức là sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất.

Đề xuất có vi hiến không?

Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng về cơ bản nội dung đề nghị quy định tịch thu phương tiện trong đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia (lấy cơ sở pháp lý là Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính) không trái Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... Tuy nhiên, đề xuất này có trái với Hiến pháp 2013 (được ban hành sau Luật Xử lý vi phạm hành chính) hay không là vấn đề cần cân nhắc.

“Trong khi Bộ luật Hình sự quy định cụ thể những trường hợp nào bị tịch thu tài sản thì Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định chung chung về việc này. Như vậy có phù hợp với Điều 14 Hiến pháp 2013 hay không? Tôi cho rằng vấn đề này khá bế tắc khi chúng ta không có cơ quan bảo hiến. Nếu cần, có lẽ chúng ta nên xin ý kiến của Ủy ban TVQH” - luật sư Trần Vũ Hải đề nghị.

Hành vi uống rượu điều khiển phương tiện có nghiêm trọng hay không? Nếu ai nói không nghiêm trọng thì cứ thử đứng gần người say rượu khi họ điều khiển phương tiện, hay chỉ cần ngồi sau tay lái họ thôi...

Luật sư TRẦN VŨ HẢI

Theo PLO