Lái xe “có cồn”, sẽ tịch thu cả xe đi mượn: Nhật, Hàn cũng làm thế!?

Say xỉn khi lái xe giống một ông cầm dao vào chợ chém loạn lên. Không chỉ phạt nặng, tịch thu phương tiện của tài xế say xỉn, theo TS. Khuất Việt Hùng, ở Nhật Bản còn áp dụng mức phạt tương tự ngay cả đối với người cho mượn xe.
Theo TS Khuất Việt Hùng: Nếu xe đi mượn bị tịch thu khi lái xe say xỉn, người điều khiển xe phải có trách nhiệm đền cho chủ xe (Ảnh minh họa)
Theo TS Khuất Việt Hùng: Nếu xe đi mượn bị tịch thu khi lái xe say xỉn, người điều khiển xe phải có trách nhiệm đền cho chủ xe (Ảnh minh họa)

Thông tin về đề xuất tịch thu phương tiện của tài xế say xỉn có nồng độ cồn quá cao khi lái xe đang là một chủ đề nóng được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn cũng như trên báo chí trong cả tuần qua. Nhiều ý kiến ủng hộ, song cũng không ít ý kiến phản đối vì cho rằng, mức phạt trên quá nặng trong bối cảnh chiếc xe chính là “đầu cơ nghiệp” của người dân.

Một trong những điểm đáng chú ý, được dư luận đặt ra là trong trường hợp xe đi mượn nhưng lại bị tịch thu thì quyền lợi hợp pháp của chủ phương tiện sẽ được xử lý như thế nào? Bởi chủ phương tiện không hề vi phạm, lại càng không biết người mượn xe có say xỉn khi lái xe hay không?...

Giải đáp về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG - TS. Khuất Việt Hùng khẳng định: Khi bị tịch thu phương tiện, người lái xe say xỉn bị tịch thu xe phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đền bù cho chủ phương tiện xe. Ông Hùng dẫn ví dụ, ở Nhật Bản, nếu lái xe với nồng độ cồn 80mg/l có thể bị phạt tù 5 năm và phạt tiền 8.800 USD với người lái.

Đối với người giao xe cho người lái xe vi phạm cũng bị quốc gia này áp dụng mức phạt tương ứng. Ngoài ra người cung cấp rượu cũng bị xử phạt tù 3 năm và phạt 3.000 USD, rồi người ngồi cạnh người lái xe vi phạm cũng có thể bị phạt tù 3 năm. Hay ở Hàn Quốc, lần đầu tiên vi phạm nồng độ cồn từ 50-99mg/l bị phạt tù 6 tháng, phạt tiền 3 triệu Won…

“Tại sao những quốc gia văn minh như vậy họ vẫn phải quy định chế tài thế này? Khi tôi trao đổi với những đồng nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc, họ nói rằng khi đưa ra chế tài đủ mạnh thì số lượng hành vi vi phạm sẽ giảm đi. Tưởng rằng là ác vì tước quyền tự do thân thể của họ nhưng chính là bảo vệ sự tồn tại của người đó, bảo vệ tài sản, tính mạng cho xã hội. Cho nên nếu thấy nặng, chúng ta đừng vi phạm nữa. Người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình” – ông Khuất Việt Hùng nói.

Đồng thời, ông Khuất Việt Hùng cũng nhấn mạnh, việc tịch thu phương tiện sẽ không phân biệt giá trị, phương tiện đó có thể là xe máy hay xe sang cả chục tỉ đồng. Bởi khi lái xe say xỉn, cái nguy hại phương tiện không phụ thuộc giá trị. Có những xe là phương tiện mưu sinh của cả gia đình nhưng nếu quan tâm đến sinh mạng, quan tâm đến cơ hội phát triển của gia đình thì đầu tiên người điều khiển phương tiện phải bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mình.

Cùng trao đổi về khía cạnh này, TS. Tô Văn HòaTrưởng khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội cho rằng tình trạng xe không chính chủ, xe cho mượn là thực tế diễn ra nhiều ở Việt Nam, vì vậy khi xây dựng quy định cần tính đến trường hợp này. Ông cho rằng, bản thân người cho mượn xe cũng khó kiểm soát được và ra điều kiện cho người mượn xe không được uống rượu bia.

“Có thể tách bạch mối quan hệ giữa người cho mượn xe và người vi phạm thì sẽ giải quyết được. Một mặt mức chế tài dành cho người vi phạm, mặt khác người vi phạm đó phải có trách nhiệm đối với người bị nạn nói chung và còn phải có trách nhiệm đối với người đã cho mượn xe dưới dạng trách nhiệm dân sự. Điều này sẽ góp phần bảo vệ người cho mượn xe, vì ở đây người cho mượn xe không có lỗi, vì họ không kiểm soát được người mượn có uống rượu bia hay không” – ông Hòa nêu quan điểm.

Cho rằng việc xử phạt người say xỉn khi lái xe rất cần thiết, song TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội tỏ ra quan ngại, vì việc tịch thu phương tiện – tài sản hợp pháp của người dân không hề đơn giản khi Hiến pháp và Luật Dân sự có quy định về “quyền sở hữu tài sản của công dân”.

TS. Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng, pháp luật không cấm và không phải trường hợp nào đi xe cũng chính chủ. Người dân hoàn toàn có thể cho nhau mượn. Trong trường hợp này chỉ có thể phạt nặng người điều khiển phương tiện, thậm chí bỏ tù chứ không thể tịch thu phương tiện của người khác.

“Có thể người đề xuất quy định này nghĩ đơn giản, tịch thu phương tiện để buộc người vi phạm phải đền cho chủ xe, nhưng như vậy cũng không được, vì cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý người trực tiếp vi phạm chứ không thể tịch thu tài sản của người khác. Mặt khác nếu người vi phạm không đủ điều kiện đề bồi thường, đền bù cho chủ xe thì sao?” – ông Thảo nêu.

“Say xỉn khi lái xe giống một ông cầm dao vào chợ chém loạn lên, rõ ràng uy hiếp đến tính mạng của khác nhau. Theo tôi, nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn” – TS. Khuất Việt Hùng.

Theo Infonet