Ông Phúc là người đã thu thập chứng cứ tố cáo nhiều cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang “giải cứu” hàng trăm m3 gỗ lậu mà báo chí từng phản ánh.
Theo hồ sơ, ngày 2/11/2003, ông Phúc mua 6,8 m3 gỗ gõ mật xẻ hộp thuộc nhóm IIA của một công ty ở TP.HCM, được xuất hóa đơn đầy đủ. Khi xe chở gỗ về đến Tiền Giang thì bị Chi cục Kiểm lâm kiểm tra. Do ông Phúc không đi trên xe nên không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc. Sau đó ông Phúc mang hồ sơ chứng từ đến nộp thì Chi cục Kiểm lâm không chịu nhận.
Dù gỗ của ông Phúc có nguồn gốc hợp pháp nhưng tháng 12/2013, Chi cục Kiểm lâm vẫn lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 8/1/2014, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đã ký quyết định xử phạt ông Phúc 150 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số gỗ.
Điều đáng nói là quyết định xử phạt lại căn cứ vào Nghị định 157/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), trong khi đúng ra phải căn cứ vào Nghị định 99/2009 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản). Bởi lẽ vào thời điểm xảy ra vụ việc, Nghị định 157/2013 chưa có hiệu lực pháp luật.
Ông Phúc cho rằng nếu UBND tỉnh Tiền Giang kết luận số gỗ trên là gỗ lậu thì theo Nghị định 99/2009, hành vi của ông phải bị xử lý hình sự chứ không phải là xử lý hành chính. Vì thế, ông khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang hủy quyết định xử phạt này, đồng thời đề nghị tòa chuyển hồ sơ sang công an để xem xét xử lý hình sự đối với chính ông.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã bác yêu cầu của ông Phúc, cho rằng việc UBND tỉnh áp dụng Nghị định 157/2013 là đúng bởi dù chưa có hiệu lực pháp luật nhưng nghị định này có lợi cho ông Phúc (theo hướng chỉ xử lý hành chính chứ không xử lý hình sự).
Ông Phúc kháng cáo. Theo tòa phúc thẩm, ông Phúc đã cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh gỗ của ông có nguồn gốc hợp pháp. Ngoài ra, việc lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang áp dụng Nghị định 157 của Chính phủ khi chưa có hiệu lực của pháp luật để xử phạt ông Phúc là trái pháp luật.
Theo Báo Pháp Luật TPHCM