Gần đây, hai nhà báo Ilya Khrennikov và Alexander Sazonov của trang tin kinh doanh nổi tiếng Bloomberg vừa có bài viết về Boris Nuraliev, doanh nhân phần mềm "đã tạo ra cả một ngành công nghiệp" nhờ sáng lập và phát triển chương trình kế toán doanh nghiệp 1C (1C:Accounting).
Theo Wikipedia, 1C: Accounting là sản phẩm nối tiếng nhất của 1C, được hơn 400 tổ chức tin dùng và là phần mềm bán chạy nhất trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). 1C:Accounting cũng chính là con át chủ bài đưa công ty của Nuraliev từ con số 0 cách đây 26 năm trở thành một trong những công ty kinh doanh phần mềm hàng đầu nước Nga.
Xây dựng đế chế phần mềm doanh nghiệp tuỳ biến theo từng công ty
Mọi chuyện bắt đầu tư năm 1991, khi kỹ sư vi tính Nuraliev ở uỷ ban thống kê nhà nước Nga thành lập 1C để kinh doanh các chương trình thương mại như bảng tính Lotus 1-2-3 và phần mềm mạng để kết nối các máy tính trong thời đại tiền internet.
Lotus là chương trình bảng tính tương tự Excel trong bộ Office của Microsoft. Lotus rất phổ biến vào thập niên 1980, ban đầu là sản phẩm của Lotus Software, sau đó được IBM mua lại và đến năm 2013 mới ngừng bán trên thị trường.
Sau đó, Nuraliev bán thêm các ứng dụng kế toán của chính ông dù khá chật vật để chốt được các hợp đồng lớn vì "các công ty lớn cảm thấy xấu hổ khi phải dùng 1C", như lời ông kể lại. Dù vậy, 1C rẻ và linh hoạt, phù hợp với hàng ngàn công ty vừa và nhỏ mới nổi sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
Đến năm 2014, theo 2 nhà báo Nga, "suy thoái kinh tế đã tạo nên cú hích doanh thu từ các khách hàng lớn hơn khi các khách hàng này đang tìm cách cắt giảm chi phí vì đồng rúp giảm giá làm hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn và tổng thống Putin hối thúc các doanh nghiệp thay thế các sáng chế nước ngoài bằng những sản phẩm của quê nhà".
Trước cơ hội này, 1C đã phát triển các phần mềm phức tạp hơn và bắt đầu phục vụ các khách hàng lớn như bưu điện nước Nga, các đơn vị của ông trùm năng lượng Gazprom, các chi nhánh địa phương của các hãng sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới như Daimler, Ford Motor, Siemens. Nuraliev chính thức cạnh tranh trực tiếp với những gã khổng lồ toàn cầu trong lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp như SAP, Oracle. Giờ đây, câu nói "Vâng, chúng tôi đã dùng 1C" trở thành xu hướng thời thượng của các doanh nghiệp lớn tại Nga khi họ phải báo cáo với chính quyền về tình hình sử dụng công nghệ nhập khẩu thay thế của mình.
Đồng thời, IC cũng xây dựng các chương trình tích hợp cho các công ty vừa và nhỏ, điển hình là ứng dụng quản lý và kế toán doanh nghiệp 1C:Small Business với phiên bản mới nhất 1.5. Ngoài kế toán, 1C: Small Business còn tích hợp thêm các module mua hàng, bán hàng, sản xuất, quản lý dự án, dịch vụ khách hàng... giúp các doanh nghiệp tự động hoá công việc trong các phòng ban tương ứng.
Về mặt kỹ thuật, 1C:Small Business cho phép các developer tự do tuỳ chỉnh mã nguồn nhưng các tác giả giữ quyền đóng một số module. Ứng dụng này có bản demo miễn phí và chạy trên nền tảng thương mại 1C:Enterprise 8.
Giao diện tiếng Anh của ứng dụng quản lý và kế toán doanh nghiệp cho các công ty vừa và nhỏ, 1C:Small Business của 1C. (Ảnh: 1C-DN Developver Network)
Theo chủ tịch Cognitive Technologies, một công ty phần mềm cho các phương tiện tự động có trụ sở ở thủ đô Moscow, lợi thế lớn của 1C là khả năng thích ứng nhanh chóng trước các quy tắc kế toán không ngừng thay đổi của Nga. Chủ tịch Olga Uskova cho rằng Nuraliev đã giành được lòng trung thành của các kế toán viên qua các hội thảo giới thiệu sản phẩm, khuyến khích các nhân viên dùng ứng dụng của ông để luôn tuân thủ luật pháp. Sau đó, các nhân viên kế toán sẽ yêu cầu sếp cài đặt 1C và họ trở thành lực lượng bán hàng mạnh mẽ mà công ty nào cũng mơ ước.
Theo thống kê của công ty dữ liệu quốc tế IDC, doanh thu năm ngoái (2016) của 1C là 37 tỉ rúp, tương đương khoảng 14,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 1/3 thị phần ứng dụng doanh nghiệp tại Nga, chỉ đứng thứ hai sau SAP chiếm 49% thị phần.
Ảnh: Thị phần phần mềm doanh nghiệp tại Nga năm 2016
Tính theo số lượng cài đặt thì 1C dẫn đầu thị trường với khoảng 5 triệu người dùng, một con số tương đối vì IDC không theo dõi hết được các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nga.
Dựa trên so sánh tương đối với SAP và 3 công ty khác có giao dịch công khai trên sàn chứng khoán, chỉ số tỉ phú Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index) đã định giá công ty 1C vào khoảng 2,3 tỉ USD, trong đó giá trị ròng mà Nuraliev sở hữu là 1,2 tỉ USD.
Mở rộng thị trường trên toàn nước Nga bằng mô hình nhượng quyền
Khi công ty phát triển, Nuraliev đã tạo ra mô hình nhượng quyền để phục vụ hết số khách hàng trải rộng trên 11 múi giờ ở Nga. Các đối tác sẽ được cấp phép để cài đặt phần mềm của ông và tuỳ biến nó theo nhu cầu của từng doanh nghiệp riêng. Hiện nay, 1C có đến 1.200 kỹ sư phát triển ứng dụng, 7.000 nhà nhượng quyền đa dạng quy mô từ một lập trình viên đơn lẻ tới các công ty thuê hàng trăm nhân viên tư vấn do 1C đào tạo. Chi phí mua phần mềm 1C của Nuraliev sẽ bao gồm chi phí nhượng quyền chiếm hơn 50% giá bán, còn lại phí cài đặt và tư vấn.
Một chuỗi hệ thống 460 cửa hàng bách hoá tên VkusVill đã thuê một nhà nhượng quyền 1C để tự động hoá hoạt động, giúp theo dõi hàng hoá mà các nhân viên đăng ký qua máy quét cầm tay, smartphone và các ứng dụng nhận dạng hình ảnh. Andrey Krivenko, nhà sáng lập chuỗi VkusVill cho biết chi phí các chương trình 1C rẻ hơn 10% so với mức phải trả cho một phần mềm tương tự của một gã khổng lồ trên thế giới như SAP hay Oracle. Khi mới thành lập VkusVill, Krivenko chưa đủ khả năng dùng công nghệ của các công ty lớn. Còn giờ đây, anh cho biết dù có thể làm vậy nhưng anh sẽ tiếp tục gắn bó với 1C.
Ảnh: Một cửa hàng VkusVill ở Moscow (Ảnh: FourSquare)
Vươn ra toàn cầu, đuổi theo SAP và Oracle
Doanh thu của 1C đã có một phần đến từ nước ngoài khi các nhà nhượng quyền có khách hàng ở Đức, Mỹ, Trung Quốc. Tháng 5 vừa qua, giữa những mối lo ngại về việc kinh doanh khó khăn do nạn bẻ khoá phần mềm ở Nga và lệnh giới hạn hoạt động của 1C ở Ukraine, Nuraliev quyết định thành lập một bộ phận nhắm vào việc kinh doanh quốc tế. Một chuyên gia phân tích của IDC cảnh báo 1C sẽ gặp khó khăn khi muốn "xây dựng mạng lưới đối tác mạnh như ở Nga".
Nuraliev thừa nhận việc đối đầu với những gã khổng lồ toàn cầu bên ngoài biên giới xứ sở bạch dương không phải là chuyện dễ dàng. Tuy vậy, ông tin rằng kinh nghiệm chuyên môn của 1C với các công ty nhỏ trong nền kinh tế phát triển hơn như Liên bang Nga sẽ giúp 1C giành chiến thắng ở nhiều nước đang phát triển. 1C thậm chí đã có được một số hợp đồng ở Việt Nam vì "trong những thị trường đang nổi như nước Nga, chúng tôi có một lợi thế cạnh tranh. Các công ty ở đó cần nhanh chóng thích ứng với các thay đổi của thị trường".
Thông tin thêm về công ty 1C
Theo Wikipedia, 1C là nhà phát hành và phát triển phần mềm độc lập có trụ sở tại Moscow. 1C gồm 2 mảng video và phần mềm doanh nghiệp.
Trên thế giới 1C nổi tiếng với các video game thống trị hội nghị các nhà phát triển game của Nga (KRI) và game trên những nền tảng quốc tế như Xbox. Một vài video game tiểu biểu của IC: IL-2 Sturmovik (2001), Forgotten Battles (2003), Pacific Fighters (2004), 1946 (2006), Cliffs of Dover (2011), Battle of Stalingrad (2013). Ngoài ra, 1C cũng đi đầu trong việc bản địa hoá và phát hành các phần mềm quốc tế phiên bản tiếng Nga (hơn phân nửa các video game phổ biến của phương Tây được cấp phép cho 1C và do 1C phát hành ở Nga).
Về mảng phần mềm doanh nghiệp, tại Nga và Cộng đồng chung các quốc gia độc lập (CIS), 1C là một trong những nhà dẫn đầu thị trường phần mềm doanh nghiệp với bộ phần mềm kinh doanh toàn diện 1C chiếm thị phần đáng kể trong hơn một thập niên. Ngoài sản phẩm chủ lực là phần mềm kế toán 1C:Accounting thì 1C còn có các sản phẩm khác được chú ý như: 1C: Enterprise là hệ thống tự động hoá tích hợp (bản mới nhất là Enterprise 8.3), 1C: Tutor: chuỗi chương trình đào tạo, các bách khoa toàn thư (encyclopedia) cùng một số chương trình khác cho người dùng kinh doanh và gia đình.
Hiện tại, 1C có 700 nhân viên, 10.000 đối tác kinh doanh, 4.500 nhà bán lẻ được cấp phép, 1.200 trung tâm đào tạo, 200 địa điểm chứng nhận được cấp phép và hơn 280 cửa hàng ở 100 thành phố trên toàn Liên bang Nga.
http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2192334/ti-phu-phan-mem-doanh-nghiep-nga-tham-vong-soan-ngoi-sap-va-oracle