Thông tin được ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) chia sẻ trong khuôn khổ chuyến thị sát cỉa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Theo đó, theo thống kê của Dawaco, từ năm 2000- năm 2007 (trước khi có thuỷ điện), nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ có 26 ngày bị nhiễm mặn trong vòng 7 năm. Nhưng chỉ 7 năm trở lại đây, từ khi có thuỷ điện hoạt động trên hệ thống sông Vu Gia, nhà máy nước này phải hứng chịu đến 661 ngày bị nhiễm mặn, trung bình mỗi năm có 77,8 ngày bị nhiễm mặn. Cao gấp 21 lần so với điều kiện tự nhiên khi không có thủy điện.
Đặc biệt, từ khi thuỷ điện Đắk Mi 4 đi vào hoạt động năm 2012, đến nay đã có 588 ngày bị nhiễm mặn. Trung bình mỗi năm có 131 ngày bị nhiễm mặn, gấp 35 lần so với điều kiện tự nhiên trước đây.
"Qua đánh giá, từ sau năm 2010, hạ lưu sông Vu Gia luôn thiếu nước trong tất cả các mùa cạn. Đặc biệt, có năm bị thiếu nước, nhiễm mặn ngay cả trong mùa mưa (tháng 11, 12 năm 2012). Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, nhà máy nước Cầu Đỏ có 82 ngày bị nhiễm mặn phải vận hành trạm bơm cấp nước thô từ trạm bơm An Trạch cách nhà máy 8km", Giám đốc Dawaco lo lắng.
Đánh giá nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Trường Ảnh cho biết, nguyên nhân của việc thiếu nước là do các thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia cắt dòng và chuyển về Thu Bồn khiến thiếu hụt nguồn nước ở hạ du Vu Gia dẫn đến mặn xâm nhập sâu vào sông. "Để khắc phục tình trạng này, các thuỷ điện ở thượng nguồn Vu Gia, nhất là thủy điện Đắk Mi 4, phải chấp hành nghiêm quy trình vận hành liên hồ; đề nghị Quảng Nam thay giải pháp đắp đập ngăn mặn tạm trên sông Vĩnh Điện nhằm phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho khu vực huyện Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng", ông Ảnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Dawaco cũng đề nghị Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ban, ngành của TP Đà Nẵng phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương,... để đảm bảo ổn định nguồn nước thô tại đập An Trạch và Nhà máy nước Cầu Đỏ. Đồng thời, đề nghị Điện lực Đà Nẵng duy trì nguồn điện cho các nhà máy nước để đảm bảo bơm nước được liên tục.
Về lâu dài, Dawaco đề nghị nghiên cứu phương án xây dựng đập ngăn mặn sau cửa thu của nhà máy nước Cầu Đỏ để hạn chế xâm nhập mặn, tận dụng khai thác nguồn nước của sông Yên và Tuý Loan. Đồng thời tăng công suất cấp nước, cho xây dựng Nhà máy nước Hoà Trung có công suất từ 10.000m³ đến 15.000m³ nước/ngày; sớm triển khai nhà máy nước Hoà Liên có công suất từ 120.000 m³/ngày để đảm bảo cấp nước đủ cho toàn thành phố.
Ghi nhận ý kiến của Dawacco, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh yêu cầu các cơ quan liên quan lưu ý việc nghiên cứu xây đập trên sông vì một bên là sử dụng hiệu quả nguồn nước và một bên là giao thông đường thủy. Đồng thời sớm triển khai, đưa dự án nhà máy nước Hoà Liên vào hoạt động.