Trong phiên họp thứ 38 (khai mạc sáng nay và kéo dài đến 14/5), Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, điều luật vốn gây phản ứng dữ dội cho hàng nghìn công nhân.
Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như luật cũ mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm... Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định.
Không đồng tình với quy định trên, đầu năm 2015, hàng nghìn lao động Công ty Pouyuen ở TP HCM đã ngừng việc tập thể để phản đối. Lãnh đạo Bộ Lao động đã phải đối thoại với công nhân, cam kết tiếp thu những góp ý và kiến nghị sửa luật.
Vì thế tại phiên họp này (dự kiến vào chiều 12/5), Chính phủ sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết cho người lao động tự chọn hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tích luỹ để bảo lưu thời gian đã đóng nhằm tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng lương hưu.
Ngoài nội dung trên, tại phiên họp thứ 38, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014; về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13. Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân cũng sẽ được trình xin ý kiến tại phiên họp này.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về 5 đề án của Chính phủ về việc thành lập các thị xã: Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước.
Theo Vnexpress