Thương mại hóa công nghệ: Khó đầu vào để dễ đầu ra

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cần quy định chặt chẽ hơn từ khâu chọn lựa và xác định đầu vào của nhiệm vụ KH&CN; phải gắn kết với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ ngay khi kết thúc nhiệm vụ nghiên cứu.
Dây chuyền đóng gói tự động của Viện Cơ điện nông nghiệp sau thu hoạch. Ảnh: PN
Dây chuyền đóng gói tự động của Viện Cơ điện nông nghiệp sau thu hoạch. Ảnh: PN

Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn đại biểu Quốc hội Nam Định) khi góp ý cho Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Khuyến khích xuất khẩu công nghệ

Để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, đại biểu Phương Thảo nhấn mạnh khoản 2, điều 41 của dự thảo luật về thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu. Theo đó, nếu tổ chức được giao quyền không thực hiện nghĩa vụ ứng dụng kết quả đó theo thỏa thuận thì đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả cho tổ chức khác có nhu cầu.

Cho rằng quy định này đang trái với Luật KH&CN năm 2013, bà Phương Thảo kiến nghị: “Đã gọi là nghĩa vụ thì bắt buộc phải thực hiện, nếu không thực hiện thì phải có chế tài. Không ai từ chối quyền sở hữu đi kèm với quyền lợi vật chất của một sản phẩm KH&CN do mình làm ra, nếu sản phẩm đó thật sự có giá trị”.

Đại biểu này cho rằng ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ hơn từ khâu chọn lựa và xác định đầu vào của nhiệm vụ KH&CN và phải gắn kết với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, tránh lãng phí, đồng thời thúc đẩy thương mại hóa công nghệ ngay khi kết thúc nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ.

“Để quản lý cũng như khuyến khích chuyển giao công nghệ một cách có hiệu quả, theo tôi cần quy định việc chuyển giao công nghệ theo các cấp bậc công nghệ. Ở đây, chính sách khuyến khích chuyển giao phát minh khác với chính sách khuyến khích chuyển giao sáng chế và giải pháp hữu ích. Tức là tùy thuộc vào cấp bậc công nghệ mà có chính sách chuyển giao công nghệ với chế độ khuyến khích, ưu đãi phù hợp” - bà Thảo nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, GS-TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - nhận định, dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có nhiều điểm tiến bộ, đưa ra những quy định ngăn công nghệ lạc hậu, khuyến khích nhập khẩu công nghệ tiên tiến. Việc thông qua luật này sẽ là cơ hội để phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam. Tuy nhiên GS Trí cho rằng, ban soạn thảo cần bổ sung quy định để khuyến khích xuất khẩu công nghệ.

“Trong lĩnh vực y, dược học có nhiều công nghệ có thể sánh vai với quốc tế, có triển vọng xuất khẩu (dược, thuốc đặc trưng của Việt Nam). Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra một số công nghệ tốt, rẻ hơn so với quốc tế. Vì vậy, luật cần có quy định thúc đẩy hoạt động này. Hiện nay chúng ta mới nghĩ đến việc nhập công nghệ nhiều hơn. Khi có thị trường KH&CN đúng nghĩa và lành mạnh, có đủ hành lang pháp lý thì tôi tin hoạt động xuất khẩu công nghệ cũng sẽ sôi động” - ông Trí tin tưởng.

Đưa công nghệ về nông thôn

Đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đề nghị bổ sung một khoản tại điều 36 về công nghệ khuyến khích chuyển giao cho vùng nông thôn, đó là công nghệ tưới tiết kiệm nước thực hành sản xuất tốt, công nghệ xử lý nước cấp cho nuôi trồng thủy sản.

“Chú ý ưu tiên đối với các vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn vì trong chương này chỉ có một quy định về Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tại điều 40. Thực tế còn có Quỹ Phát triển KH&CN đang hoạt động hiệu quả, có thể thúc đẩy chuyển giao công nghệ một cách mạnh mẽ” - ông Lê Quang Trí góp ý.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn tỉnh Kiên Giang) cũng đề cập tới việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ vùng nông thôn. Theo đó, tại điều 38 dự thảo luật có nêu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Khoản 2 quy định, hằng năm, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN ở địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn và miền núi.

Bà Dao đề nghị bổ sung: Cần có cơ chế khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để những vùng này cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

“Đây chính là một trong những giải pháp để từng bước cải thiện đời sống của người dân vùng này” - đại biểu Dao nhấn mạnh.

Ban soạn thảo vẫn đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Theo Khoa học Phát triển