Thuế núp phí, phí chồng phí - phải được bóc tách

Nhà nước của dân, do dân, vì dân đứng ra cung cấp dịch vụ công cho người dân, và đổi lại người dân phải trả tiền cho dịch vụ này một cách gián tiếp thông qua thuế, phí và lệ phí. 
Thuế núp phí, phí chồng phí - phải được bóc tách

Ngược lại, thuế, phí và lệ phí cũng phải thu tương xứng với số lượng, chất lượng dịch vụ công mà nhà nước và các tổ chức khác tham gia cung cấp dịch vụ công.

Nếu quan hệ này không tương xứng thì thuế, phí và lệ phí trở thành công cụ tận thu người dân.

Thuế, phí, lệ phí gắn liền ngân sách là vấn đề của lập pháp

Để hạn chế việc thu thuế, phí, lệ phí một cách bừa bãi, không biết khoan sức dân, triệt tiêu động lực kinh tế của doanh nhân, thì ngay từ thời tiền cách mạng tư sản, nhân dân các nước đã thỏa thuận với nhà vua, vấn đề thuế, phí, lệ phí sẽ không do hành pháp quyết định mà phải do một cơ quan dân cử - ban đầu là viện nguyên lão, lâu dần tiến triển thành nghị viện.

Bởi vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tại báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Phí và Lệ phí hoàn toàn có lý khi cho rằng: Quốc hội phải là cơ quan quyết định “danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí... và phân cấp các loại phí và lệ phí giữa trung ương và địa phương ngay trong luật” chứ không nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết như dự thảo hiện nay, bởi đây là vấn đề rất ảnh hưởng đến “quyền và nghĩa vụ công dân”.

Hơn nữa, đây không phải là lĩnh vực mới, mà chúng ta đã có kinh nghiệm 13 năm thực hiện Pháp lệnh Phí và Lệ phí; các quan hệ đã đi vào ổn định; các vấn đề đã được nhìn nhận rõ nét rồi.

Hạn chế thuế chồng phí

Người dân nộp thuế để làm gì? Để nuôi bộ máy. Nuôi bộ máy để làm gì? Để bộ máy cung cấp dịch vụ công. Vậy người dân nộp lệ phí để làm gì? Để bộ máy cung cấp dịch vụ công?

Tại sao đã mất một lần tiền thuế, mà đi đâu, làm gì cũng phải nộp phí, lệ phí? Xin thưa, bởi vì mức độ sử dụng dịch vụ công của các công dân không giống nhau. Nên nếu chỉ có thuế thuần túy, thì sẽ không tạo ra sự công bằng giữa người sử dụng dịch vụ công nhiều và người sử dụng dịch vụ công ít. Bởi vậy, thuế sẽ dùng để chi trả cho những dịch vụ công cơ bản, người nào cũng sử dụng, hoặc mặc dù mức độ sử dụng khác nhau, nhưng rất khó tách bạch, định lượng cho từng cá nhân, ví dụ sự an bình mà lực lượng quốc phòng, an ninh mang lại cho người dân hay không khí trong lành vốn khó lượng hóa sự khác biệt trên đầu người.

Bên cạnh đó, có những dịch vụ công đặc thù, không phải mọi người đóng thuế đều sử dụng, và mức độ sử dụng dễ lượng hóa thì việc thu phí, lệ phí đối với những người sử dụng sẽ tạo ra công bằng hơn.

Vì vậy, về nguyên tắc, thuế không được chồng phí. Nếu người dân đã trả tiền một lần cho một loại dịch vụ nào đó dưới danh nghĩa thuế thì không thể bắt họ trả thêm một lần tiền nữa dưới danh nghĩa phí.

Dự thảo Luật Phí và Lệ phí đã nỗ lực cắt bỏ những loại phí chồng thuế này, ví dụ đã bỏ phí an ninh trật tự, phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều này là rất đáng hoan nghênh. Nhưng cũng có nghĩa, để tránh lặp lại hiện tượng thuế chồng phí, thì danh mục chi tiết phí và lệ phí cũng phải do Quốc hội quyết định chứ không nên giao cho Chính phủ chi tiết hóa.

Phí là phải có lợi nhuận?

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng phản đối một nguyên tắc cốt lõi để xây dựng mức thu phí quy định tại điều 7 dự thảo Luật Phí và Lệ phí là: “Mức thu phí được xác định... có lợi nhuận phù hợp...”.

Phải chăng Nhà nước đang đi buôn với dân? Tờ trình số 170/TTr-CP của Chính phủ về dự luật này cho thấy Chính phủ hoàn toàn không có ý định như vậy.

Tờ trình có nêu kinh nghiệm các nước phân chia phí, lệ phí thành ba nhóm: (1) Nhóm thu thấp hơn chi phí (ví dụ án phí hành chính, chỉ nhằm mục đích chính là buộc người nộp đơn phải có chút trách nhiệm và suy nghĩ trước khi khởi kiện, tránh khởi kiện bừa bãi); (2) Nhóm phí bằng chi phí (ví dụ phí trích lục hồ sơ); (3) Nhóm phí thu cao hơn chi phí nhằm mục đích, điều tiết, hạn chế một số loại hoạt động (ví dụ phí đăng ký tái sử dụng tài sản xa xỉ).

Tờ trình cho thấy Chính phủ chỉ muốn áp dụng nguyên tắc “có lợi nhuận” đối với nhóm (2) và chỉ áp dụng khi có ý định xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ tương ứng. Nhưng điều 7 của dự thảo luật đã không thể hiện được tinh thần này.

Tờ trình cũng đồng thời, nêu vấn đề chuyển một số “phí” hiện hành sang cơ chế “giá”. Theo tôi, nguyên tắc “có lợi nhuận phù hợp” chỉ nên áp dụng với nhóm này mà thôi. Đối với các nhóm phí, lệ phí chưa chuyển sang cơ chế “giá” thì không nên đặt ra vấn đề lợi nhuận với dân.

Và đối với nhóm “phí” chuyển sang cơ chế “giá”, cần có sự can dự trực tiếp của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tránh hiện tượng độc quyền, nâng “giá” lên cao.

Theo TBKTSG