Bối cảnh phát triển dựa trên tri thức
Thực tế, khái niệm kinh tế tri thức đã được đề cập đến từ hơn 10 năm trước tại Việt Nam và Nhà nước cũng có những đề tài nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này. Tuy nhiên, xu hướng này có thể đã bị ba con sóng lớn là bất động sản, ngân hàng và cổ phiếu diễn ra liên tiếp trong hơn 10 năm qua làm xao lãng và nhấn chìm.
Và khi ba con sóng kia đi qua, xu hướng phát triển theo tri thức tự bản thân nó quay lại và khởi phát nhanh hơn trước. Cụ thể là các cấp cả nước đã đồng trí quyết tâm phải lái đất nước phát triển theo tri thức; vì đây là con đường tất yếu, và kết quả là sự ra đời của Nghị quyết 36-NQ/TW vào ngày 1/7/2014 từ cấp cao nhất của Nhà nước. Có lẽ đây là cột mốc quan trọng để chuyển dịch mô hình phát triển đất nước sang một xu hướng mới: phát triển đất nước dựa trên đổi mới, tri thức và sáng tạo.
Doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao là một nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số. Ảnh: Nhà máy sản xuất điện thoại Samsung tại tỉnh Bắc Ninh. |
Trong 8 trọng tâm cần thực hiện của Nghị quyết này, có dành riêng điều số 5 "tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế tri thức" để nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức và sáng tạo trong phát triển đất nước. Bảy điều còn lại, cơ bản cũng hướng đến hỗ trợ phát triển tri thức.
Về thực tiễn ngoài nước, thì các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật, Hàn, Trung hay Mỹ đều đã có những bước tiến lớn trong việc áp dụng kinh tế tri thức từ khá lâu.
Tận dụng xu hướng hội tụ số thúc đẩy sáng tạo số
Nếu bắt đầu phát triển tri thức theo cách thông thường, thì có lẽ chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để tăng hàm lượng tri thức trong toàn bộ thể chế, hoạt động công tư cũng như đời sống dân sinh.
Tuy nhiên, một xu hướng mới đang diễn ra có lẽ là cơ hội vô cùng quý báu để chúng ta rút ngắn thời gian và khoảng cách, đó là: xu hướng hội tụ số, phát triển đất nước hướng trọng tâm vào phát triển nền kinh tế số.