Thừa Thiên Huế sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam vào 2030

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đến 2050, là thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á.

Toàn cảnh TP Huế nhìn từ trên cao
Toàn cảnh TP Huế nhìn từ trên cao

Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố (TP) trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, đồng thời, Thừa Thiên Huế cũng là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2030, kinh tế Thừa Thiên Huế có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 -11%/năm; dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 5 - 7%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 33 - 35%; dịch vụ chiếm khoảng 54 - 56% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7 - 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD; kinh tế số khoảng 30% GRDP, kinh tế biển khoảng 35 - 40% GRDP…

Về xã hội, đến năm 2030, có tỷ lệ tăng dân số bình quân đạt 1,38%/năm và đến năm 2030 dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1,3 triệu người; đạt chỉ số 19 - 20 bác sỹ/1 vạn dân; số giường bệnh là 120 - 121 giường/1 vạn dân; duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh ở nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% (trong đó phấn đấu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu)...

Về môi trường, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 57% và nâng cao chất lượng rừng; đạt tỷ lệ 100% cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt gần 100%;…

vt_festival hue 2022 1.jpeg
Thừa Thiên Huế phát triển trên nền tảng di sản, văn hoá và bản sắc Huế

Trong Quy hoạch cũng nêu rõ tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là TP trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; TP Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Giải pháp phát triển

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, kinh tế xanh, kinh tế số, bền vững, có lợi thế với cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với không gian phát triển đặc thù của TP trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá và thiên nhiên, đặc biệt là Quần thể di tích Cố đô Huế; hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực; kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng.

Bên cạnh đó, xây dựng đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển, xây dựng công viên Đầm phá Quốc gia; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị thông minh bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của đô thị Huế; đóng vai trò đô thị trung tâm kết nối trong vùng duyên hải miền Trung, vùng động lực miền Trung; có năng lực cạnh tranh và thương hiệu ở tầm khu vực, quốc tế.

Về đô thị, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển 3 trung tâm đô thị gồm: Đô thị trung tâm gồm TP Huế, đô thị vùng Tây Bắc, đô thị Vùng Đông Nam; 3 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn - Tuý Loan), quốc lộ 49 B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối liên thông 3 Cụm Cảng biển phía Đông, gắn đường Hồ Chí Minh kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan; hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và TP Đà Nẵng;

vt_festival hue 18.jpeg
Một góc Festival làng nghề Huế 2023

Để tạo sức bật cho tỉnh trong tương lai, Thừa Thiên Huế sẽ quy hoạch 3 trung tâm động lực tăng trưởng gồm: quần thể di tích, di sản Cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm; khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; và khu công nghiệp Phong Điền.

Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển các đô thị dựa trên nền tảng di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đã từng có vai trò trong lịch sử gắn liền với quá trình hình thành Cố đô Huế về địa thế, kiến trúc cảnh quan, sinh thái, môi trường, giao thương,… và cửa ngõ để xác định công tác bảo tồn của từng đô thị phù hợp với từng giai đoạn nhằm phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Phát triển đô thị theo mô hình "TP trong TP"

Quy hoạch không gian đô thị được xác định là tập hợp đô thị di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên có liên quan mật thiết với Cố đô Huế. Trong đó, khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc (gồm đô thị trung tâm: TP Huế hiện hữu dự kiến tách thành 2 quận, thị xã Hương Thủy dự kiến thành lập quận, thị xã Hương Trà dự kiến thành lập quận; đô thị Phong Điền và đô thị Chân Mây,…) để bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính (gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện). Trong đó thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

vt_thu tuong ban hanh mot so co che dac thu cho thua thien hue.jpg
Một góc đô thị Huế

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ có 3 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông); đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế phát triển với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); 1 TP (Chân Mây); các thị xã và các huyện. Tập trung xây dựng TP Chân Mây trở thành đô thị thông minh, hiện đại theo mô hình TP trong TP gắn với khu kinh tế biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030.