Top 10 tỉnh/thành giải ngân cao trên cả nước
Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2023 của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 31/10, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 46.000 tỉ đồng, tăng 15% so cùng kỳ; doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 3.800 tỉ đồng, tăng 17,4%.
Tổng dư nợ cấp tín dụng ước đạt 76.200 tỉ đồng, tăng 2,5%, là mức tăng trưởng khá thấp so với cùng kỳ những năm trước; tỷ lệ nợ xấu 2,1%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 1,94% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch tiếp tục phục hồi tốt, trong 10 tháng đầu năm 2023. Tổng lượng khách ước đạt 2,6 triệu lượt khách, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 824 nghìn lượt, gấp 6 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 5.600 tỉ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp quý III/2023 trên địa bàn có nhiều khởi sắc so với những quý đầu năm 2023. Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm ước tăng 2,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,3%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 24.915 tỉ đồng, bằng 80,4% kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 8.228 tỉ đồng, bằng 83% dự toán, bằng 63,3% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 22,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 7.690 tỉ đồng, bằng 82,2% dự toán, bằng 62,6% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 24%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 522 tỉ đồng, bằng 94% dự toán, bằng 76,8% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 2% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách nhà nước ước đạt 10.185 tỉ đồng, bằng 70% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển 3.487,6 tỉ đồng, bằng 62,8% dự toán.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới 19 dự án với tổng vốn đầu tư 5.070 tỉ đồng (gồm 6 dự án FDI vốn đăng ký 41 triệu USD), giảm 10 dự án so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 16 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi 2.548 tỉ đồng.
Chỉ số kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên toàn tỉnh ước đạt 874,2 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 570 triệu USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ.
Cũng theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hoạt động trở lại tiếp tục giảm so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, có 581 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.763,1 tỉ đồng, giảm 16,8% về lượng và tăng 52,7% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 290 doanh nghiệp, giảm 141 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 491 doanh nghiệp, tăng 19 doanh nghiệp; giải thể tự nguyện 101 doanh nghiệp, tăng 3 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi 185 doanh nghiệp, tăng 182 doanh nghiệp.
Báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho hay, đến ngày 31/10, các đơn vị đã giải ngân 3.750,859 tỉ đồng/5.923,257 tỉ đồng, đạt 63,3% kế hoạch. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 61% kế hoạch; vốn NSTW (vốn trong nước) giải ngân đạt 70% kế hoạch (trong đó, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 41% kế hoạch); vốn nước ngoài (ODA) giải ngân đạt 55% kế hoạch; vốn NSTW của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 41% kế hoạch.
Đặc biệt, theo số liệu của Bộ KH&ĐT, ước giải ngân 10 tháng đầu năm của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 69% kế hoạch Thủ tướng giao, xếp thứ 10/63 tỉnh/thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của toàn quốc.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã giao bổ sung các nguồn lực đầu tư công là 2.676,84 tỉ đồng, nâng tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giao đến nay đạt 8.600,097 tỉ đồng, giải ngân đến thời điểm báo cáo là 5.227,86 tỉ đồng, đạt 61% kế hoạch. Dự ước năm 2023 giải ngân đạt 96% kế hoạch.
11/14 chỉ tiêu kinh tế đạt mục tiêu đề ra
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự ước đến cuối năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế có 11/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, 3 chỉ tiêu không đạt gồm: tốc độ tăng trưởng GRDP ước 7-7,5% (kế hoạch đề ra là 9-10%); giá trị xuất khẩu ước 1.100 triệu USD (kế hoạch đề ra 1.258 triệu USD); thực hiện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước 11.000-11.500 triệu USD (kế hoạch đề ra 13.006 triệu USD).
11/14 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt mục tiêu đề ra gồm: Cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người từ 2.664 - 2.686 USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 31.000 tỉ đồng; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 70,25%; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 99,2%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 97%...
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường xuất khẩu và đơn hàng sụt giảm; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai; một số dự án sản xuất tạo động lực mới cho ngành công nghiệp chậm đưa vào hoạt động,…đã tác động rất lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP cả năm 2023 chưa đạt như kỳ vọng, nhưng đây là mức tăng trưởng khá trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (ước đạt 4,7-5,8%).
Trước tình hình kinh tế chung, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 ước đạt 8,5-9,5%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.000 USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 10% trở lên; phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với thực hiện năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% trở lên; giải quyết việc làm cho 17.000 lao động;tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới mức 2%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 99,3%; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%...
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu