Theo đó, có đến 46 văn bản quy định chi tiết thi hành 11 luật mới được Quốc hội thông qua cần được các bộ ngành chủ trì soạn thảo. Đó là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự; Luật khí tượng thủy văn; Luật an toàn thông tin mạng; Luật thống kê; Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Bộ luật tố tụng hành chính; Luật phí và lệ phí; Luật kế toán; và Bộ luật hàng hải Việt Nam.
Đáng chú ý, hầu hết các luật này đều có hiệu lực từ 1-7-2016. Do vậy, các cơ quan có tên trong quyết định của Thủ tướng sẽ phải gấp rút tổ chức chủ trì soạn thảo. Sau đó phối hợp với các cơ quan như Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để thẩm định, thẩm tra, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của xã hội, người dân, doanh nghiệp, cơ quan, hoàn thiện dự thảo trước khi trình ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật.
Trong số các luật sắp có hiệu lực thi hành lần này, Bộ luật Hàng hải Việt Nam cần 13 văn bản quy định chi tiết thi hành, nhiều nhất trong số các luật cần hướng dẫn. Sau đó lần lượt là Luật An toàn thông tin mạng với 7 văn bản hướng dẫn, Luật phí và lệ phí cần 6 văn bản hướng dẫn…
Khối lượng công việc khá đồ sộ trong khi thời gian hoàn thành chỉ còn khoảng 4 tháng. Điều này đòi hỏi các cơ quan được chỉ đạo sẽ phải tập trung cao độ về con người và chi phí mới có thể hoàn thành đúng thời hạn, tránh trường hợp "nợ" văn bản hướng dẫn luật.