Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát các dự án CNTT liên quan thông tin dân cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thủ tướng giao Bộ TT&TT phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát các nội dung của dự án CNTT đã, đang và sẽ đầu tư liên quan đến sử dụng thông tin dân cư để bảo đảm tránh trùng lặp, lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đề án góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đề án góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương tinh thần tích cực vào cuộc quyết liệt của các bộ, cơ quan, trong đó có vai trò của Phó Thủ tướng được phân công phụ trách, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác đã có nhiều nỗ lực, hoàn thành công việc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Đề án, trong đó phải triển khai đầy đủ các nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao. Tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp theo đúng tiến độ và yêu cầu tại Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

"Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong quá trình xây dựng và vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm mọi dự án công nghệ thông tin khi triển khai phải có cấu phần tương xứng về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng" - Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ đốc thúc việc tăng cường nguồn lực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ trình độ, năng lực để thực hiện công việc được giao theo thẩm quyền; bổ sung, sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc triển khai Đề án.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án, vì đây là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp, không phải là Đề án “của Bộ Công an”. Sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phát triển thành nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối chung trên toàn quốc; phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, sản phẩm dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Các bộ, ngành bám sát các nội dung, nhiệm vụ Đề án, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực hiện các nội dung của Đề án; khẩn trương thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06.

Thủ tướng yêu cầu 5 TP. trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai thực hiện Đề án 06; trong đó, TP. Hà Nội triển khai làm điểm.

Hoàn thành rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 4/2022

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thống nhất phạm vi, cách thức tiến hành rà soát, đề cương, biểu mẫu một cách cụ thể, rõ ràng để các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần phải sửa đổi bổ sung trong tháng 4/2022. Trước mắt, tập trung hoàn thiện 2 văn bản pháp lý quan trọng là Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.

Đến năm 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin - Ảnh minh họa.

Đến năm 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin - Ảnh minh họa.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, khẩn trương rà soát các nội dung đầu tư của dự án công nghệ thông tin đã, đang và sẽ đầu tư liên quan đến sử dụng thông tin dân cư để bảo đảm tránh trùng lặp, lãng phí, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kinh phí để tập trung nguồn lực cho Đề án này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu có giải pháp đầu tư cấp bách, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Đề án cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là đối với Bộ Công an, cơ quan thường trực của Đề án, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm theo quy định của pháp luật.

Kiện toàn Tổ Công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng

Tổ Công tác triển khai Đề án 06 phát hành văn bản gửi Công an các địa phương (cơ quan thường trực) tham mưu kiện toàn Tổ Công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương làm Tổ trưởng Tổ Công tác và định kỳ hàng tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương ký báo cáo gửi Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, đưa vào là một nội dung để báo cáo tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án, trong đó xác định rõ trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương trong tổ chức, triển khai, chỉ đạo đặc biệt là nhận thức của cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công từ cấp cơ sở.

Chủ động thống kê các đầu việc cần phải làm gồm 13 nhóm nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương; 89 nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, cơ quan và 08 nhóm nhiệm vụ của địa phương theo Quyết định số 06/QĐ-TTg và có văn bản yêu cầu các bộ, địa phương rà soát, đối chiếu để ban hành bổ sung các nhiệm vụ còn thiếu hoặc bỏ sót.

Trước mỗi Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Tổ Công tác tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai Đề án, tổng hợp, cập nhật thông tin, trong đó chỉ ra những bộ, ngành, địa phương làm tốt, chưa tốt để biểu dương, phê bình, kiểm điểm, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cùng Bộ Công an và Bộ Tư pháp đề xuất phương án triển khai các nghiệp vụ hộ tịch trên nền tảng hệ thống dữ liệu dân cư để khai thác chung thuận lợi và tránh lãng phí, thiết kế thêm công cụ kiểm soát hiệu quả.