Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập về giấy đi đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng, không để xảy ra tình trạng chờ đợi kéo dài, tập trung đông người.
Hà Nội sử dụng đồng thời giấy đi đường thông thường và giấy đi đường có QR code.
Hà Nội sử dụng đồng thời giấy đi đường thông thường và giấy đi đường có QR code.

Hôm nay (8/9), Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Trước nhiều ý kiến phản ánh về thủ tục cấp giấy đi đường có gắn QR code khiến người dân phải chờ đợi kéo dài, không đảm bảo 5K trong chống dịch, chiều tối 5/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chia sẻ rằng việc cấp giấy đi đường là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ. Hà Nội quyết định chưa áp dụng giấy đi đường loại mới trong 2 ngày 6 - 7/9 nhằm để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian này, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Sau đó, vào tối 7/9 - sát thời điểm áp dụng giấy đi đường gắn QR code, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP. chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn. Tất cả phải nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP. chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Hôm nay (8/9), Hà Nội tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Được biết, trong lần giãn cách đầu tiên (ngày 24/7), Hà Nội quy định cơ quan, doanh nghiệp đủ điều kiện, sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu được xác nhận, cấp giấy đi đường cho người lao động.

Ở lần thứ hai, lãnh đạo TP. yêu cầu mẫu giấy đi đường phải đúng theo mẫu của UBND Hà Nội ban hành với đầy đủ các thông tin cá nhân và mục đích tham gia giao thông.

Ở lần thứ ba, TP lại yêu cầu người dân muốn ra đường thực hiện nhiệm vụ, công việc phải có giấy theo mẫu của TP, kèm theo lịch trực của cơ quan, lịch làm việc kèm theo giấy tờ tùy thân (yêu cầu lịch trực sau đó được rút lại). Và giấy phải do chính quyền địa phương xác nhận, đóng dấu.

Và lần thứ tư (ngày 6/9), UBND Hà Nội quy định 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường và phải do Công an Hà Nội cấp.

Hiện, Hà Nội chấp nhận giấy đi đường theo quy định ở lần thứ hai và lần thứ tư.