Chỉ đạo này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, diễn ra vào sáng 21/2/2023.
Thủ tướng Phạm minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh VGP/ Nhật Bắc) |
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ cho biết, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, chịu sức ép cùng lúc từ cả bên trong và bên ngoài.
Do đó, trong năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.
"Giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển, song đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề, triển khai khó khăn, là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ", Thủ tướng nói.
Với khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn, yêu cầu cao hơn, Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023.
Giải ngân đầu tư công năm 2022 đạt kỷ lục
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 551.378,271 tỉ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch).
Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 28.668,563 tỉ đồng (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/1/2023 là 541.857,52 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2022 là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỉ đồng) so với năm 2021.
Trong đó có 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (93,42%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ KH&ĐT, việc giải ngân vốn đầu tư công còn tồn tại một số hạn chế, trong đó, vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng./.