Bộ Xây dựng đề xuất hàng loạt giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –Theo Bộ Xây dựng, để khôi phục thị trường BĐS Việt Nam, các ngành cần giải quyết những khó khăn thực tại từ nguồn cung khan hiếm, cơ cấu bất hợp lý, gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn, sớm hoàn thiện khung pháp lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra sáng ngày 17/2 (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra sáng ngày 17/2 (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững".

Hội nghị có sự tham dự của các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, Công an, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Kinh tế và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; các tỉnh, thành phố.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội BĐS TP HCM, các nhà phát triển BĐS, các chuyên gia về tài chính, BĐS…

Nguồn cung khan hiếm, cơ cấu bất hợp lý

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh - cho biết, năm 2022, nguồn cung bất động sản (BĐS), nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nghiêng về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (bằng 52,7% so với năm 2021); có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (khoảng 47,7% so với năm 2021); có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (khoảng 55,2% so với năm 2021).

Về dự án nhà ở xã hội, cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Về nhà ở công nhân, trên cả nước có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Lượng giao dịch thành công trong năm 2022 không ổn định; lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền thành công tăng cao nhất vào quý II, rồi giảm và thấp nhất vào quý IV.

Giá bất động sản nhà ở, đất nền năm 2022 liên tục tăng trong quý I và quý II; quý III chững lại; quý IV giảm ở một số dự án nhưng không nhiều.

Một góc đô thị Đà Nẵng (Ảnh Hồ Xuân Mai)

Một góc đô thị Đà Nẵng (Ảnh Hồ Xuân Mai)

Khó khăn chồng chất

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu,...); lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm;....

Vì thế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (cá biệt có tập đoàn giảm đến 50% lao động); dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư và thi công một số dự án; dừng triển khai các dự án mới;...

Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến pháp luật như vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án) gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Thủ tục miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; các quy định về bố trí quỹ đất; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án; quy định về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội... cũng đang là vấn đề gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, vấn đề tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cùng với lãi suất cho vay tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2022 đang là vấn đề lớn của doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh hiện tại.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn (hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng) và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Đây là áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS thời gian tới.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc xử lý vi phạm một số tổ chức, cá nhân trong thời gian qua liên quan việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư... làm cho thị trường thêm khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội nghị (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội nghị (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Không chỉ vậy, thời gian qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư, dẫn đến e ngại, nghe ngóng, tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực BĐS mà chuyển sang các kênh đầu tư khác; doanh nghiệp không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản; ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Giải pháp nào cho thị trường BĐS

Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, cần các ngành cần hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)... và trình Quốc hội xem xét thông qua.

Bên cạnh đó, xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành và trình tự, thủ tục về Đầu tư, Đất đai, Quy hoạch đô thị, Xây dựng, Thuế, Chứng khoán... nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong các hoạt động đầu tư và tiếp cận các nguồn vốn.

Riêng đối với việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng cần sớm xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số vướng mắc, nhất là thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Đối với nguồn vốn tín dụng, cần có chính sách điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường.

Trong đó, điều hành hạn mức tín dụng phù hợp, giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp BĐS khó khăn (doanh nghiệp, dự án BĐS phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Về nguồn vốn trái phiếu, cần nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu. Song song đó, cần kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá; giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.