Nêu 4 yêu cầu chính là tính đổi mới, tính đột phá, thích ứng và tính bền vững trong chiến lược ngành bám sát chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh 4 trụ cột lớn cần đổi mới, 3 đột phá cần tập trung và 5 lưu ý cần rà soát để triển khai hiệu quả hơn.
Về 4 trụ cột chính cần đổi mới, Thủ tướng chỉ rõ, thứ nhất, KHCN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.
Thứ hai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, khi mà hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn ít. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo mới bước đầu, chỉ tập trung ở đô thị lớn.
Thứ ba, tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đặc biệt là có đột phá trong phát triển hệ thống doanh nghiệp KHCN, công nghệ cao, thiết lập hệ thống sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian để thúc đẩy thị trường công nghệ. “Một lần nữa chúng ta khẳng định, phải coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo”.
Thứ tư, KHCN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nguyên Bộ trưởng KH&CN Hoàng Văn Phong. Ảnh: VGP |
Nêu 3 đột phá cần tập trung, Thủ tướng chỉ ra, thứ nhất là đột phá về thể chế, chính sách. Vì với thể chế KHCN, cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa, quy hoạch hóa KHCN và tư duy thành lập mới tổ chức KHCN phải theo quy hoạch…
Thứ hai, đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KHCN. Chi 2% ngân sách Nhà nước cho KHCN phải sử dụng hiệu quả hơn, “đừng để tiền bạc thì lớn, mười mấy nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp”. Bộ KH&CN hoặc Hội đồng Chính sách KHCN cần trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách lớn, đặt hàng vĩ mô cho KHCN gắn liền với chất lượng sản phẩm của đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, cần tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng mà Việt Nam đang cần. Phải huy động đầu tư của xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp, thông qua các quỹ KHCN quốc tế, để có tỉ lệ đầu tư cho KHCN cao hơn. Có thể chế, cơ chế thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong sử dụng kinh phí.
Đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KHCN, trong đó quan tâm đến 3 đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng. “Cuối cùng con người là quan trọng nhất. Phải làm sao trí thức ủng hộ mình để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng bày tỏ.