Tham dự có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Sở TT&TT Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam... và các doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, mạng xã hội có lượng truy cập lớn.
Mục tiêu của cuộc giao ban lần này là tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, định hướng hoạt động thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chia sẻ: “6 tháng qua, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội đã làm được nhiều việc. 6 tháng tới, đất nước có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, có thể khiến mạng xã hội “nóng” lên, chẳng hạn như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (trung tuần tháng 1/2016), bầu cử Quốc hội (22/5/2016)...
Tại buổi giao ban hôm nay, chúng ta cùng nhau đánh giá mặt được thời gian qua, rút kinh nghiệm những vấn đề còn hạn chế, có giải pháp để đảm bảo tốt nhất hoạt động của mạng xã hội trong thời gian tới”.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Mạng xã hội là sự tiến bộ nhân loại, không thể ngăn cản, ngăn chặn, mà cần phải làm thế nào để mạng xã hội phát triển tốt nhất cho sự nghiệp chung cũng như tính nhân văn của nhân loại. Trách nhiệm của chúng ta, đặc biệt là các nhà mạng là làm thế nào để mạng xã hội Việt Nam xây dựng được cộng đồng của mình, giống như Singapore đã làm. Tôi rất trăn trở về vấn đề này. Đây là vấn đề đặt ra để cùng trao đổi với nhau, không phải để ngày một ngày hai làm được ngay mà hướng tới lâu dài”.
Nhiều doanh nghiệp truyền thông xã hội có các mạng xã hội thu hút lượng truy cập cao đã tham gia buổi giao ban. Ảnh: B.M |
Đồng chủ trì cuộc giao ban, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm bày tỏ mong muốn “sau buổi giao ban lần này, các doanh nghiệp vận hành trang thông tin điện tử, mạng xã hội hiểu rõ hơn trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, hiểu được mình cần phải làm gì và có thể làm thế nào để thúc đẩy hoạt động truyền thông xã hội phát triển tốt, đúng pháp luật, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho cộng đồng”.
Phát biểu đề dẫn buổi giao ban, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Tính đến ngày 10/11/2015, đã có 1.599 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép và còn hiệu lực. Trong đó, Cục cấp 738 giấy phép, Sở TT&TT Hà Nội cấp 292 giấy phép, Sở TT&TT TP.HCM cấp 511 giấy phép, và các Sở TT&TT còn lại cấp 58 giấy phép. Số lượng các trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248 giấy phép.
Kể từ khi Thông tư số 09/2014 của Bộ TT&TT có hiệu lực (từ tháng 10/2014) đến nay, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 100 mạng xã hội. Trong đó, lĩnh vực nội dung thông tin chia sẻ, trao đổi trên mạng xã hội có số lượng giấy phép được cấp nhiều nhất (27 giấy phép). Tiếp đến là các lĩnh vực giải trí, âm nhạc, công nghệ, đời sống xã hội, kinh tế... (24 giấy phép); sức khỏe, gia đình (8 giấy phép), công nghệ thông tin (8 giấy phép), kinh tế, tài chính, ô tô xe máy (7), trò chơi điện tử (6), thể thao (5), giáo dục (4), du lịch, địa điểm (4), lao động, việc làm (2), kết bạn (2), nông, lâm ngư nghiệp (2), công tác từ thiện (1).
Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá những mặt được, hạn chế trong hoạt động của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội tại Việt Nam. Ảnh: B.M |
Đánh giá hoạt động cung cấp thông tin của một số trang thông tin điện tử tổng hợp và trang mạng xã hội, ông Hoàng Vĩnh Bảo nói: “Ở góc độ nhất định, trang thông tin điện tử tổng hợp cũng là một trong những kênh truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách hiệu quả; là cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí, giúp thông tin trên báo chí chính thống được lan tỏa rộng hơn, nhanh hơn. Còn mạng xã hội cũng có ưu điểm là thông tin được cập nhật nhanh, đa dạng, phong phú, lan truyền nhanh. Đây cũng được coi là một trong những nguồn dữ liệu cho báo chí khai thác, tìm hiểu.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số trang thông tin điện tử còn tồn tại một số hạn chế như: Trích dẫn lại thông tin từ các cơ quan báo chí nhưng không xin phép, tự ý thay đổi tiêu đề bài viết, cắt xén, thay đổi nội dung, hình ảnh trong bài viết; Tự ý mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp, chỉ tập trung tổng hợp tin bài giật gân, câu khách, tạo bức tranh xã hội u tối thiếu nhân văn; Tự ý sản xuất tin bài như cơ quan báo chí; Không tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo...
Về mạng xã hội cũng còn những hạn chế như: Thông tin dàn trải, vụn vặt, hỗn tạp, mang tính cá nhân, bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông và phản ứng dây chuyền; Thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, có nội dung phản cảm, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục...”.
“Thời gian tới có rất nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước. Các tổ chức, đơn vị cần kiểm soát chặt các trang thông tin điện tử bằng việc tăng cường nhân lực kiểm duyệt nội dung thông tin, tránh việc lợi dụng truyền thông xã hội để phát tán những ý kiến, bình luận về vấn đề chính trị, xã hội nhạy cảm. Mạng xã hội cần hết sức lưu ý những thông tin bình luận, đả kích về tôn giáo – chủ đề nhạy cảm, có thể gây xung đột, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị”, Cục trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Trong 11 tháng qua, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động của các trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
Cụ thể, với các trang thông tin điện tử, đã xử lý 13 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp, tổng số tiền 135 triệu đồng; 1 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp 1 tháng; 3 trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Với các trang mạng xã hội, xử phạt hành chính 2 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không phép (với số tiền là 20 triệu đồng), 1 trường hợp hoạt động không đúng quy định của giấy phép được cấp (số tiền phạt là 40 triệu đồng).
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Sở TT&TT Đà Nẵng để xử lý một số trang thông tin điện tử có dấu hiệu cung cấp thông tin giả mạo, lừa đảo tiền của người sử dụng, gây bức xúc trong xã hội như trang www.tintucgiaivn.com,www.phanqua.vn...
Theo Infonet