Bên lề Tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 23-8, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề nóng BOT này.
Theo ông tại sao những dự án BOT được triển khai thời gian qua lại bộc lộ bất cập như vậy?
Theo quan điểm của Bộ kế hoạch và Đầu tư, thu phí đường BOT cũng là một dạng thu thuế. Thông thường khi Nhà nước làm đường thì thu thuế của xã hội, nhân dân để vào ngân sách và Nhà nước sẽ thực hiện.
Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách không đủ thì để doanh nghiệp, người sử dụng đường giao thông trả tiền trước và làm tuyến đường này.
Khi làm những dự án BOT trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những cảnh báo, từ năm 2009 đã nêu ra vấn đề về sự chuẩn mực trong triển khai các dự án BOT. Tôi cũng đã từng nêu ra cảnh báo rằng BOT chứa đựng rủi ro tham nhũng lớn nhất.
Với dự án BOT, nếu làm đúng và làm tốt sẽ rất có lợi cho mọi quốc gia, và nhiều quốc gia đã làm thành công. Tuy nhiên, nếu làm không chặt chẽ, đúng quy trình và nới lỏng thì rủi ro tham nhũng là lớn nhất trong tất cả.
Vậy ông nhìn nhận thế nào về những “rủi ro tham nhũng” mà các dự án BOT đang triển khai?
Cách làm BOT hiện nay là theo kiểu, tôi thấy anh và giao cho anh, cứ có quan hệ là duyệt hết và nhận xét rất chung chung. Tính toán chi phí đầu vào, dù tăng gấp đôi, cũng không có con số chứng minh. Rồi để được thu nhiều hơn thì hạ lưu lượng xe xuống, tù mù về đếm xe, sau đưa ra mức thu phí cao nhất, với thời gian dài nhất.
Tôi thấy lạ là tại sao người dân, những người bình thường cũng có thể tính toán các con số để ra được kết quả là làm con đường ấy hết bao nhiêu tiền.
Và cả hạ tầng bên đường, người dân có thể biết những miếng đất hai bên đường, giá cả thế nào.
Vậy mà tại sao cơ quan quản lý lại không tính ra được. Sau đó giao hết cho tư nhân làm BOT, làm giao thông công cộng, không chỉ đường mà là đất đai, nếu không rõ ràng và minh bạch thì sẽ phát sinh tham nhũng.
Không hiểu tại sao chỉ vấn đề đếm đường, đã nêu ra rất nhiều nhưng vẫn để đấy. Thậm chí có trường hợp như ở đường Pháp Vân Cầu Giẽ, một cổ đông muốn đặt camera để đếm đường, cũng là bảo vệ quyền lợi cổ đông nhưng lại không được.
Hay chuyện thu phí ở đường tránh Tào Xuyên (Thanh Hóa), tôi cũng đã từng về đây rồi, đi trực tiếp 3 ngày 3 đêm để đếm đường và viết báo cáo. Hoàn toàn có thể tính ra được với lưu lượng ấy bao nhiêu năm thì thu được xong phí.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đưa ra chính sách về PPP, nhưng vẫn có những hoạt động lobby cho chính sách đấu thầu được đưa ra. Quan điểm của họ là đấu thầu mất thời gian và cứ chỉ định (chỉ định thầu – PV) cho ông này ông kia làm là xong, là có đường.
Vấn đề đặt ra là tại sao những bất cập trong triển khai BOT đã được nhiều cơ quan chỉ ra, nhưng vẫn không truy được trách nhiệm?
Tại sao lại không truy được trách nhiệm? Rõ ràng có thể làm được việc này. Nhà nước phải bỏ tiền ra để tính toán các chi phí, thuê chuyên gia hàng đầu, tư vấn quốc tế với dự án lớn. Có thể lựa chọn để làm mẫu cho vài dự án, chọn một hai cung đường để đánh giá, khảo sát, đưa ra chuẩn mực.
Bao gồm tính toán chi phí, dự báo lưu lượng giao thông. Thậm chí có thể thuê ba đơn vị khác nhau để đảm bảo tính độc lập, sau đó mới tổ chức đấu thầu, ai có năng lực, kinh nghiệm thực sự thì người đó mới được làm.
Cơ quan Nhà nước luôn nói rằng hài hòa lợi ích các bên, người dân dựa vào cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát. Nhưng thế nào là hài hòa? Hài hòa phải trong sự tường minh, muốn hài hòa tại sao lại không tường minh?
Còn hiện nay, hài hòa lợi ích nhưng lại không thể công khai chi phí xây dựng bao nhiêu, không công khai lưu lượng xe đi trên đường. Tại sao phải giấu giếm? Chừng nào còn tù mù thì còn thiếu minh bạch, là không chấp nhận được.
Chúng tôi cần sự đồng thuận của xã hội và Chính phủ, để ủng hộ cho việc quản lý đấu thầu và quản lý các đơn vị xây dựng trong đó BOT là lĩnh vực cần phải đúng chuẩn mực.
Chúng tôi đã nêu ra, đã cảnh báo và phản đối cách làm BOT như hiện nay, nhưng đến giờ chứng minh tất cả, những gì chúng tôi nói đã không làm và đang bộc lộ bất cập.
Còn nhiều dư địa để giảm phí cho doanh nghiệp
Trong cuộc Tọa đàm, Thứ trưởng Đông cho rằng, chi phí đang là một trong những gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp. Do vậy, bên cạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến,thì hiện có nhiều dư địa để các cơ quan quản lý Nhà nước giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Lấy ví dụ từ việc thu phí ở các dự án BOT, ông Đông cho rằng đây là một trong những loại chi phí không hợp lý mà hiện nay cả xã hội, doanh nghiệp phải chịu đựng.
Nguyên do là bởi quá trình triển khai các dự án BOT đã không thực hiện theonguyên tắc, chuẩn mực khi không công khai các chi phí.
Chính sự “tù mù”, “giấu giếm” thông tin và thiếu tường minh đang khiến cho các dự án BOT ngày càng bộc lộ những bất cập và những hệ lụy lớn cho xã hội và người dân.