Thứtrưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: "Chúng tôi đangthực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đang nghiên cứu, rà soát lại, sẽ xem xét đề xuất để có bổ sung thích hợp hơn".
Thứ trưởng khẳng định, bất cứ điều chỉnh nào đều có một bộ phận chịu tác động, do đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc này để có bậc thang phù hợp hơn so với tình hình thực tế hiện nay.
Theo người đại diện từ Bộ Công Thương,giá điệnbậc thang cho sinh hoạt được xác định theo bậc lũy tiến, với những mục tiêu khá rõ ràng. Bậc thang xác định trên cơ sở khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện hiệu quả và bảo đảm cho ngành điện phát triển bền vững.
Cơ sở của việc áp dụnggiá điệntheo bậc thang như sau: Thứ nhất, việc sản xuất ra điện sử dụng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên của đất nước, vì vậy, cũng như nước sinh hoạt và các tài nguyên khác, chúng ta phải khuyến khích sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ hai, trong quá trình hoạt động của hệ thống nhà máy điện, khi nhu cầu thấp thì sử dụng các nhà máy điện có giá thành thấp, nhu cầu lên cao thì từng bước sử dụng những nhà máy điện có giá cao tăng dần.
"Vì vậy, nhu cầu càng tăng lên thì giá điện sẽ cao hơn nhiều. Tương đương như vậy, nếu chúng ta có một thị trường điện theo giờ như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, giờ thấp điểm, giữa điểm và cao điểm có giá cả khác hẳn nhau, theo bậc thang của nhu cầu tăng lên", ông nói.
Ngoài 2 cơ sở tính toán trên, theo Thứ trưởng Hưng, giá điện bậc thang cũng nhằm để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. Ở đây, ví dụ có 6 bậc thì bậc 1, 2 dành cho hộ có thu nhập thấp, còn bậc 5, 6 dành cho những hộ có thu nhập cao hơn. Tức là, mức tiêu thụ điện gần như là tương ứng, không thật 100%, với thu nhập của các đối tượng khác nhau trong xã hội.
"Như vậy, việc xác định bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt có cơ sở rất rõ ràng về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Việc mỗi nước áp dụng bao nhiêu bậc thang thì tùy theo tính toán cụ thể", ông Hưng nhấn mạnh.
Về việc nhập khẩu than đã có lộ trình để đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho hay, cơn lũ vừa rồi có ảnh hưởng tới sản xuất và cung ứng của ngành than, của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vinacomin phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà máy điện liên quan của Vinacomin, của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) rà soát lại vấn đề cung ứng than để bảo đảm cho các nhà máy điện hoạt động đầy đủ, trên cơ sở dự trữ than hiện có của các nhà máy điện, các nguồn khác nhau của Vinacomin từ những vùng chưa bị lũ, những vùng đang dự trữ.
Đồng thời kết hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia của EVN để cân đối việc huy động các nhà máy một cách thích hợp, từ các nguồn nhiệt điện chạy than, chạy khí và từ các nguồn thủy điện khác nhau.
"Việc này sẽ bảo đảm trong mọi tình huống xảy ra, kể cả mưa lớn kéo dài, thì vẫn bảo đảm tối đa hoạt động của các nhà máy điện và cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu của đất nước", vị này cho biết.
Theo Dân trí