Trước quan điểm này, trong buổi họp báo chiều 27/7, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định: Đây chỉ là ý kiến cá nhân. Tỷ lệ bao nhiêu % cán bộ công chức cần phải tinh giản, không nên bình luận vô căn cứ. Trước hết cần dựa vào sự phân loại, đánh giá chất lược cán bộ của mỗi cơ quan đơn vị.
“Từ trước, chúng ta vẫn có tư duy tinh giản biên chế là cắt giảm số lượng tuy nhiên hiện nay thông qua tinh giản biên chế để đạt mục tiêu chính là nâng cao chất lượng phục vụ cán bộ công chức”, Thứ trưởng Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, hoạt động tinh giản biên chế hiện đã được triển khai theo chính sách, thông tư quy định cụ thể. Theo đó, từ 2015-2021, đặt ra chỉ tiêu mỗi đơn vị phải giảm tối thiểu 10% biên chế... “Nói là tối thiểu, cũng có nghĩa có đơn vị có thể giảm 10 hay 20%, tùy vào tình hình thực tiễn. Theo đó, nếu đơn vị nào không đạt sẽ xem xét là yếu tố để đánh giá năng lực người đứng đầu”, ông Tuấn cho biết.
Để đảm bảo kết quả tinh gian biên chế, Bộ Nội Vụ đã đưa ra phương pháp như: Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong tinh giản biên chế; mỗi đơn vị sẽ phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế xác định rõ chỉ tiêu để trình lên cấp trên phê duyệt; thực hiện theo tinh thần “ra 2 vào 1”, có nghĩa đơn vị chỉ được tuyển thêm 50% so với số lượng tinh giản biên chế. Trong hoạt động tinh giản biên chế, trách nhiệm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu được đề cao. Khi thực hiện đòi hỏi người đứng đầu có bản lĩnh, công bằng khách quan...mới đem lại hiệu quả”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về đề xuất cấm bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu, tránh hiện tượng bổ nhiệm hàng loạt, ông Tuấn cho biết: “Bộ Nội vụ xin được lắng nghe và sẽ nghiên cứu đề xuất này. Tuy nhiên cần phải khẳng định việc tuyển dụng bổ nhiệm lãnh đạo quản lý là một trong những nội dung được tiến hành thường xuyên căn cứ nhu cầu của từng đơn vị, quy định nghiêm ngặt về công tác bổ nhiệm”.
Theo Giao Thông