Theo báo cáo, việc trả lương, thưởng đối với người lao động tại VSD được thực hiện theo nguyên tắc: Tiền lượng được chi trả cho người lao động theo chức danh công việc, chức vụ đảm nhận và kết quả hoàn thành công việc của từng cá nhân người lao động; Việc trả lượng đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về tiền lương, phù hợp với thỏa thuận/HĐLĐ ký kết với người lao động và kết quả hoạt động kinh doanh của VSD;…
Còn việc trả lương, thưởng đối với người quản lý được xác định theo nguyên tắc: Tiền lương của người quản lý chuyên trách tại VSD được xác định và trả lương gắn liền với hiệu quả kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành của người quản lý, có khống chế mức hưởng tối đa; Căn cứ vào quỹ tiền lương kế hoạch hàng năm, hàng tháng người quản lý được tạm ứng bằng 80% số tiền lương tạm tính cho tháng đó, số 20% còn lại được quyết toán và trả vào cuối năm;
“Hàng năm, VSD trích 90% quỹ tiền thưởng của người quản lý để chi thưởng hàng năm, việc chi thưởng gắn với hiệu quả kinh doanh và các tiêu chí đánh giá mức đội hoàn thành nhiệm vụ đối với người quản lý theo quy định của Nhà nước, 10% còn lại được lập thành quỹ tiền thưởng nhiệm kỳ dùng để chi thưởng khi kết thúc nhiệm kỳ”, Báo cáo nêu.
Được biết, quỹ tiền lương, tiền thưởng của người quản lý ở VSD được phân phối trực tiếp cho người quản lý, không sử dụng vào mục đích khác.
Biểu Báo cáo quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng năm 2017 đính kèm cho thấy, quỹ tiền lương mà VSD đã thực hiện trong năm 2017 là 38,987 tỷ đồng – tăng gần 900 triệu đồng so với kế hoạch đề ra, là 38,093 tỷ đồng.
Ngoài quỹ lương, thu nhập của người lao động tại VSD còn được bổ sung thêm 8,759 tỷ đồng từ Quỹ tiền thưởng, phúc lợi phân phối trực tiếp cho người lao động. Phần thu nhập thêm này, theo như biểu báo cáo, là không có trong kế hoạch.
Theo kế hoạch, số lao động của VSD trong năm 2017 là 155 người, nhưng trên thực tế, chỉ có 151 lao động.
Do đó, thu nhập bình quân của người lao động ở VSD trong năm 2017 trên thực tế đã cao hơn 25% so với kế hoạch đề ra. Cụ thể là 25,728 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch là 20,480 triệu đồng/người/tháng). Tất nhiên, đây chỉ là kết quả của một phép toán bình quân gia quyền, cào bằng thu nhập giữa nhân sự tại tất cả các bộ phận, không kể chức danh.
Lưu ý rằng, quỹ lương và mức thu nhập vừa nêu mới chỉ là của người lao động, chưa bao gồm phần của các lãnh đạo – thuộc diện người quản lý chuyên trách - ở VSD.
Theo báo cáo của VSD, năm 2017, trung tâm này có 7 người quản lý chuyên trách, với quỹ tiền lương thực hiện là 5,3544 tỷ đồng – cao hơn đáng kể so với kế hoạch 4,656 tỷ đồng.
Tương tự người lao động, lương chưa phản ánh hết thu nhập thực hưởng của người quản lý ở VSD. Ngoài 27,714 triệu đồng mức lương cơ bản bình quân cho mỗi người, họ còn được chia thêm 669,3 triệu đồng từ quỹ tiền thưởng và 549,99 triệu đồng tiền thưởng, thu nhập.
Được biết, quỹ tiền thưởng thực hiện năm 2017 của người quản lý được trích lập căn cứ tiền lương bình quân thực hiện năm 2017 của người quản lý đã được quyết toán và mức trích theo quy định hiện hành của Nhà nước. Còn tiền thưởng năm 2017 của người quản lý là tổng tiền thưởng chi cho người quản lý trong năm 2017 từ quỹ tiền thưởng còn lại năm 2016 của người quản lý.
Sau khi cộng đầy đủ các khoản, mức thu nhập bình quân của mỗi quản lý chuyên trách tại VSD đạt 64,844 triệu đồng/người/tháng. So với kế hoạch đề ra là 55,429 triệu đồng/người/tháng, mức thu nhập thực tế của các sếp VSD đã vượt khoảng 18%. Dĩ nhiên, con số 64,844 triệu đồng/người/tháng cũng là kết quả của một phép toán bình quân gia quyền – và nó cao gấp khoảng 2,3 lần mức thu nhập bình quân của người lao động tại VSD.
Năm 2018, VSD xây dựng kế hoạch thu nhập bình quân cho người lao động ở mức 21,516 triệu đồng/người/tháng; và với người quản lý là 55,429 triệu đồng/người/tháng. Lưu ý, con số kế hoạch này mới chỉ là lương, chưa có thưởng.
Nên biết, dù mang tên là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, nhưng VSD được xếp hạng Tổng công ty nhà nước.
Báo cáo tài chính 2017 của VSD ghi nhận doanh thu hoạt động nghiệp vụ đạt 576 tỷ đồng. Dịch vụ lưu ký chứng khoán dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu với 45%, tiếp đến là dịch vụ chuyển quyền sở hữu chứng khoán, thanh toán gốc và lãi trái phiếu…
Nhờ khoản tiền ngân hàng tính đến cuối năm tăng mạnh, lên gần 1.100 tỷ đồng nên doanh thu hoạt động tài chính xấp xỉ 41 tỷ đồng. Phần lớn trong số này là tiền gửi thanh toán hộ cổ tức, tiền của các thành viên chuyển về cho VSD để thực hiện ký quỹ chứng khoán phái sinh.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến khiến tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn doanh thu khoảng 10%.
Kết quả, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ghi nhận lãi trước thuế xấp xỉ 362 tỷ đồng và vượt kế hoạch hơn 110 tỷ đồng./.