GDP bình quân đầu người đi sau vài chục năm
Mặc dù GDP bình quân đầu người đã tăng 57 USD so với năm 2014, song Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Như vậy, với GDP bình quân đầu người năm 2015 tăng thêm 57 USD, phải đến năm 2035 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới có thể đạt hơn 10.000 USD, tức là chỉ tương đương GDP/người của Malaysia hiện nay.
Đáng chú ý là khoảng cách GDP/người của Việt Nam ngày càng xa so với thế giới. Nếu như năm 1990 khoảng cách GDP/người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD thì đến nay khoảng cách này đã tăng lên gấp đôi với 8000 USD. GDP/người của Việt Nam tăng lên mức trên 2.109 USD, nhưng GDP/người của thế giới tăng vượt lên mức trên 10.000 USD.
Một trong những nguyên nhân khiến cho GDP/người của Việt Nam thua xa các nước trong khu vực và ngày càng có khoảng cách so với thế giới, đó là nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế và năng suất lao động thấp.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Ciem), nếu như trước năm 2008 tăng trưởng bình quân là 7,8% mỗi năm thì từ năm 2008 đến nay chỉ tăng 5,9%, tức là chênh lệch tới 2 điểm phần trăm.
“So với các nước trong khu vực, nếu tăng trưởng 5% thì đến năm 2035 GDP của Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan. Nếu tăng trên 7% may ra mới đuổi kịp được, còn 5% chắc chắn tụt hậu” - ông Cung nhận định.
Ngoài ra, năng suất lao động chưa được cải thiện, tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động cũng là lý do khiến cho GDP bình quân đầu người Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Thu nhập bình quân người lao động cũng thua xa vài chục lần
Theo bà Nguyễn Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Tổng cục Thống kê), năng suất lao động của Việt Nam đã tăng qua các năm. Theo đó, năng suất lao động năm 2015 (PV-một trong các cách tính của Tổng cục thống kê về năng suất lao động là GDP/tổng số người làm việc bình quân) là 79,3 triệu đồng, như vậy tương đương 3.657 USD.
Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, thì năng suất lao động của người Việt Nam tăng 6,4% so với năm trước. Tính bình quân 17 năm trở lại, năng suất lao động của toàn xã hội tăng 24 triệu đồng/lao động, tương đương 1.600 USD/lao động/năm.
Tuy nhiên, bà Vân cho rằng mặc dù năng suất lao động tăng nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu so sánh về số tuyệt đối mức tăng năng suất lao động thì khoảng cách ngày càng được thu hẹp, song nếu so sánh về giá trị tuyệt đối, tức là GDP/tổng số người làm việc bình quân, lại có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, nếu tính theo sức mua năm 2005, thì năng suất lao động của Singapore gấp 29,2 lần so với Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách này giảm chỉ còn 18 lần. So với Malaysia giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; so với Thái Lan khoảng cách năng suất lao động giảm từ 4,6 lần xuống 2,7 lần; Philippines giảm từ 3,1 xuống 1,8 lần.
Tuy nhiên, so với GDP/tổng số người làm việc bình quân thì Việt Nam lại thua xa so với các nước trong khu vực. Theo đó, Singapore tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD; Malaysia tăng từ 21.142 USD lên 30.317 USD; Thái Lan tăng từ 7.922 USD lên 9.311 USD.
Như vậy, mặc dù năng suất lao động của VN trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên giả định VN và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 - 2012 thì phải đến năm 2038 VN mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.
Theo Trí thức trẻ