Thời kỳ hoàng kim của cụm tình báo London hoạt động cho Liên Xô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày nay ai cũng đều biết nhà tình báo xuất sắc Kim Philby và những người bạn trong “bộ ngũ Cambridge” của ông đã chuyển về Moscow không ít thông tin tuyệt mật xoay chuyển hẳn cục diện thế giới...
Kim Philby (đứng, bên phải) tại một cuộc họp báo năm 1951 (Ảnh: DailyMail)
Kim Philby (đứng, bên phải) tại một cuộc họp báo năm 1951 (Ảnh: DailyMail)

Các thành viên của nhóm đã làm việc cật lực trong những năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nhìn chung, cụm tình báo London của Nội vụ dân uỷ Liên Xô, mà các điệp viên của nó là Philby và các bạn của ông, trong những năm chiến tranh đã thực sự trở thành người cung cấp thông tin chủ chốt, mang ý nghĩa chiến lược, cho ban lãnh đạo Liên Xô. Đôi khi đó còn là nguồn cung cấp thông tin duy nhất, bởi vì vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước tất cả các cụm tình báo ở châu Âu của tình báo Xô Viết đã bị Đức quốc xã phá vỡ, còn phần lớn điệp viên làm việc cho Moscow đã bị Gextapo bắt giữ.

Theo thừa nhận của các thành viên “bộ ngũ”, trong những năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại họ đã làm việc như những Stakhanov (Alecxei Grigorievich Stakhanov, công nhân mỏ ở Luganxk - tháng 8/1935 đã lập kỷ lục làm ông trở nên nổi tiếng. Các chỉ số của kỷ lục gây sửng sốt: Stakhanov đạt 102 tấn/ca trong khi định mức khai thác gần 7 tấn/ca) để đảm bảo dòng thông tin mật và tài liệu đặc biệt quan trọng không bị đứt quãng. Trong đó đặc biệt thành công là John Kerncross, người đã khai thác được tổng cộng 5.805 tài liệu tuyệt mật.

Trong những năm Thế chiến 2, ông làm việc ở Trung tâm thông tin chính phủ ở công viên Bletchley gần London. Gần như toàn bộ thông tin mật bắt được của người Đức đều đi qua ông. Dĩ nhiên, tất cả chúng, nhờ sự cố gắng của Kerncross, được chuyển thẳng về Moscow. Những thành viên khác của “bộ ngũ” cũng không kém cạnh. Tất cả từ năm 1941 đến 1945, từ Kerncross, Burgess, McLean, Philby và Blunt đã chuyển về Trung tâm tổng cộng hơn 15.000 tài liệu mật, nhiều tài liệu trong số đó có giá trị đến nỗi người ta phải báo cáo ngay cho chính Joseph Stalin.

Tuy nhiên, khi thán phục lòng dũng cảm chưa từng có và trình độ chuyên nghiệp của Philby và các bạn của ông, cần nhớ rằng, sẽ không thể có những thành công xuất sắc của họ trong lĩnh vực hoạt động tình báo, nếu như không có toàn bộ đội ngũ nhân viên nghiệp vụ của cụm tình báo London, bắt đầu từ cụm trưởng cho đến các liên lạc viên bình thường. Bởi mỗi tài liệu mật kiếm được còn cần phải bằng cách nào đó chuyển về Trung tâm. Và cần phải hướng và phối hợp toàn bộ công việc to lớn và cực kỳ nguy hiểm này.

Tiếc rằng nhiều người trong số họ cho đến giờ vẫn còn gần như chưa được biết đến rộng rãi. Tuy vậy, sự đóng góp của họ vào chiến thắng vĩ đại trước chủ nghĩa phát xít là vô giá. Dưới đây sẽ nói đến một số nhân viên cụm tình báo London thời kỳ chiến tranh.

Bob và Jerry

Đến cuối năm 1939, cụm tình báo Liên Xô ở London đã chấm dứt tồn tại. Lý do không phải vì hoạt động của phản gián Anh, mà là tình hình lộn xộn và hỗn loạn đang ngự trị ở Moscow lúc bấy giờ. Bây giờ điều đó có thể là lạ lùng, nhưng khi đó - trong tháng 12/1939 - Ban lãnh đạo Nội vụ dân uỷ Liên Xô cho rằng cụm tình báo London với tất cả nhóm điệp viên cỡ cao nhất của nó không còn có ích gì với Liên Xô.

May thay, tình trạng suy sụp đó tiếp diễn không lâu. Mùa thu năm 1940, nhờ những cố gắng của lãnh đạo mới của tình báo Liên Xô Pavel Phitin, cụm tình báo London được khôi phục. Và trong tháng 11 năm đó, nhân viên tình báo chuyên nghiệp Liên Xô Anatoli Veniaminovich Gorky đã đến London với tư cách cụm trưởng cụm tình báo London. Ông đã không có thời gian để xoay trở. Moscow yêu cầu cung cấp không ngừng thông tin tài liệu quan trọng về chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Anh. Không ai bận tâm đến việc vào những tháng đầu tiên cụm London chỉ có 3 người làm việc: bản thân Gorky (bí danh Vadim) và hai nhân viên nghiệp vụ trẻ - Boris Kreshin (bí danh Bob) và Vladimir Barsovsky (bí danh Jerry).

Anatoli Veniaminovich Gorky.

Anatoli Veniaminovich Gorky.

Cụm tình báo London lúc đó hoạt động trong những điều kiện cực kỳ khó khăn như thế nào, được thấy rõ trong bức thư cụm trưởng gửi về Trung tâm tháng 11/1940: “Dù Bob và Jerry đang làm tất cả những gì có thể, họ vẫn không phải là những tình báo viên có kinh nghiệm. Mỗi người trong chúng tôi có mối liên lạc đến 20 điệp viên. Cả ba người chúng tôi ngập trong các cuộc gặp, trong đó việc chạy ngược chạy xuôi hết cuộc gặp bí mật này đến cuộc gặp khác có thể được phản ánh rất tiêu cực trong công việc” - Gorky viết.

Cần nhận thấy rằng, bức thư của Gorky đã không bị Moscow bỏ quên. Mặc dù chiến tranh sắp bắt đầu và các vấn đề liên quan đến nó rất thực tế, quân số của cụm London vẫn tăng đều. Đến năm 1945 trong cụm đã có 12 nhân viên nghiệp vụ. Vào giai đoạn khó khăn nhất của chiến tranh (1941-1942), khi hoạt động tình báo ở các nước khác còn chưa được đặt ở mức cần thiết, chính cụm tình báo London lại là nguồn tin chủ yếu của ban lãnh đạo Liên Xô về nước Đức và các nước của liên minh chống Hitler. Vào những năm đầu chiến tranh Vadim và những người của ông đã gửi về Trung tâm hơn 10 nghìn tài liệu mức độ quan trọng khác nhau. “Bộ ngũ Cambridge” nổi tiếng cũng nằm dưới sự chỉ huy riêng của Gorky.

Trẻ trung và lịch sự

Tháng 1/1944 Gorky được triệu tập về Moscow. Ít lâu sau ông đươc bổ nhiệm làm cụm trưởng tình báo của Liên Xô ở Mỹ. Đến cuối Chiến tranh thế giới II, “trọng tâm” của tình báo đối ngoại Liên xô dần chuyển sang bên kia đại dương. Và điều đó được hiểu: Chính ở Mỹ đã triển khai công việc chế tạo vũ khí nguyên tử và mọi nỗ lực của tình báo Liên Xô được tập trung vào hướng quan trọng sống còn đối với đất nước.

Ở London, lãnh đạo công việc của cụm tình báo đã là Bob, chính là Boris Moisevich Kreshin. Con đường đến với tình báo đối với Kreshin thật không đơn giản... Cũng như hàng nghìn thanh niên Xô Viết bình thường khác, Boris tốt nghiệp trường kỹ thuật công xưởng và có một vài năm làm việc ở công xưởng tiện. Sau đó, theo giới thiệu của đoàn thanh niên Kreshin được gửi đi học Đại học sư phạm ngoại ngữ Moscow. Sau khi tốt nghiệp, Boris được phân về trường trung học và dạy tiếng Anh ở đó một thời gian. Năm 1936 Boris nhập ngũ vào Hồng quân. Sau đó, năm 1939 được mời vào làm việc trong tình báo. Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Kreshin là tới London vào những năm chiến tranh khốc liệt.

Boris Moisevich Kreshin.

Boris Moisevich Kreshin.

Ở Anh Kreshin dần trải qua mọi nấc thang sự nghiệp, kết thúc phục vụ ở cương vị cụm trưởng tình báo. Đó là thời gian các tình báo viên Xô Viết ở Anh phải làm việc không ngơi tay. Mỗi nhân viên của cụm bắt liên lạc với hàng chục điệp viên và mỗi người trong số họ đem đến thông tin hết sức quí giá, có ý nghĩa sống còn với đất nước Xô Viết. Chỉ riêng những thông báo từ “bộ ngũ Cambridge” cũng đáng giá biết chừng nào! Thông tin này đều qua Kreshin, người trước đó là trợ lý của cụm trưởng Anatoli Gorky, còn sau này đã là cụm trưởng và kiểm soát công việc của “bộ ngũ” trong một số năm. Khi lãnh đạo cụm tình báo London Kreshin mới ngoài 30 tuổi.

Tất cả những ai biết ông đều nhận xét ông là người tinh tế, lịch thiệp. Ông đã lãnh đạo cụm tình báo với sự tinh tế của mình. Chẳng hạn, Iuri Modin - người từng là liên lạc viên ở cụm tình báo London - viết về ông thế này: “Kreshin làm việc hiệu quả và thông minh không kém gì người tiền nhiệm của mình. Luôn lịch sự và nhã nhặn, ông đã làm các điệp viên của chúng ta hài lòng và sau này là tình cảm ấm áp khi làm việc với ông. Kreshin quan hệ với họ rất thân thiện, không bao giờ ra lệnh, mà chỉ lịch sự nhận xét: “Thật tuyệt vời, nếu như các bạn đạt được điều đó”. Đó là tất cả.

Như đã biết, các nhân viên tình báo Liên Xô đã làm được những gì gần như là không thể. Không phải ngẫu nhiên mà những năm 40 của thế kỷ trước đã trở thành “thòi kỳ hoàng kim” đối với cụm tình báo London. Và những người lãnh đạo của nó, như Anatoli Gorky và Boris Kreshin, đã mãi ghi tên mình vào lịch sử không chỉ của tình báo Xô Viết, mà cả của tình báo thế giới.

Liên lạc viên may mắn nhất

Nói đến cụm tình báo London của những năm 1940 không thể không nhớ đến Iuri Ivanovich Modin. Thực ra, ông chỉ trực tiếp làm việc ở London sau chiến tranh. Tuy nhiên, chính ông, vào những năm chiến tranh ác liệt, đã có quan hệ trực tiếp nhất với các tài liệu đến từ thủ đô nước Anh. Đó là trong những năm 1942-1945 ông là nhân viên phòng nước Anh của tình báo Liên Xô, chuyên dịch tài liệu mật và chuẩn bị báo cáo cho lãnh đạo cấp cao nhất. Bởi vậy, dù ở Moscow, cách xa London hàng nghìn kilômet, Modin đã quen biết vắng mặt với các thành viên của “bộ ngũ Cambridge” nổi tiếng.

Iuri Ivanovich Modin

Iuri Ivanovich Modin

Sau này chính Modin thú nhận rằng “…đã học được nghệ thuật tình báo không qua trường lớp nào, không lý thuyết, mà là thực tế, trong những hoàn cảnh đặc biệt. Khi đọc báo cáo của các điệp viên của chúng ta, tôi bắt đầu cảm nhận họ như người thân của mình”. Có cần nói về việc được làm quen vắng mặt với các nhà tình báo vĩ đại nhất thế kỷ XX đã gây ấn tượng không phai mờ đối với một nhân viên trẻ nữa hay không! Ít lâu sau đã diễn ra cuộc làm quen trực tiếp của Modin với họ.

Trong suốt sáu năm, từ tháng 6/1947 đến tháng 5/1953, Iuri Modin làm liên lạc viên ở cụm tình báo London. Vì công việc, ông phải gặp gỡ riêng với các thành viên bộ ngũ Cambridge. Dần dần mối quan hệ công việc ban đầu của họ đã chuyển thành tình bạn thân thiết. Sau nhiều năm, khi đã nghỉ hưu, Iuri Ivanovich viết cuốn sách về việc phục vụ của mình trong ngành tình báo và gọi nó là “Số phận các tình báo viên. Những người bạn Cambridge của tôi”. Và Modin cũng bước vào lịch sử tình báo Xô Viết là người luôn đồng hành cùng với thành công. Trong những năm dài ở nước ngoài, Modin chưa hề có lần nào gặp sự cố nào đó nghiêm trọng. Trong từng ấy năm ông tiếp xúc dày đặc với các điệp viên cỡ cao nhất và chưa lần nào tạo ra tình huống có thể đe doạ phá vỡ các chiến dịch tình báo đang được tiến hành.

Như đã nói ở trên, trong những năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, một số lượng thông tin chiến lược khổng lồ đã được chuyển từ London về Moscow, mà ban lãnh đạo đất nước đã biết tận dụng chúng. Và đây chỉ là một số giai đoạn đáng chú ý nhất.

Mùa Thu năm 1941, ban lãnh đạo Liên Xô đã cố gắng một cách tuyệt vọng để biết được các kế hoạch của Nhật Bản trong quan hệ với Liên Xô. Kết quả các trận đánh bảo vệ Moscow phụ thuộc nhiều vàođiều này. Nhà tình báo vĩ đại nhất thế kỷ XX khác là Richard Zorge từ Tokyo đã thông tin tương đối chi tiết cho ban lãnh đạo Liên Xô về các kế hoạch của bộ chỉ huy Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Moscow vào thời gian đó người ta có một chút lo ngại đối với các thông báo của ông.

Vấn đề là nhiều thông báo của Richard về việc Đức chuẩn bị tấn công và ngày tháng tấn công Liên Xô chất đống ở Moscow vào mùa xuân năm 1941 mà không được xác thực. Và cả các thông báo của ông về các kế hoạch của Nhật mùa Thu năm 1941 đã gây nên sự nghi ngờ về tính xác thực của nó trong ban lãnh đạo tình báo Liên Xô, đòi hỏi phải có xác thực từ các nguồn không kém uy tín khác. Nguồn đó trong tháng 10/1941 chính là các thông báo của cụm tình báo London. Vào lúc cao trào của cuộc chiến bảo vệ Moscow, khi xe tăng Đức đã ầm ầm tiến về thủ đô Liên Xô, cụm tình báo London đã thông tin việc Nhật đã có lựa chọn có lợi cho cuộc chiến ở Thái Bình Dương của mình và trong những tháng gần nhất sắp tới Nhật không có ý định chuẩn bị tấn công Liên Xô.

Cần nói rằng ở Moscow mọi người đã thở phào nhẹ nhõm thế nào, khi nhận thông tin này. Nó đã cho phép Bộ chỉ huy Xô Viết điều khẩn cấp các sư đoàn từ Xibiri và Viễn Đông về hướng Moscow, ở đó số phận của đất nước được quyết định lúc bấy giờ.

Vào cuối năm 1942 Kim Philby, khi đó giữ vị trí cao trong tình báo Anh SIS (Secret Intelligence Service), đã thông báo về những xe tăng mới nhất Tigr và Pantera, mà người Đức đặt hy vọng lớn vào chúng khi chuẩn bị cho chiến dịch mùa hè năm 1943. Muộn hơn một chút, John Kerncross cũng chuyển thông tin tương tự. Hơn thế nữa, có cả các đặc điểm kỹ thuật của các xe tăng mới nhất của Đức, bao gồm công suất động cơ, tốc độ và độ dày bọc thép, được gửi về Moscow.

Sau khi nhận tin tức này, Moscow đã áp dụng hàng loạt các biện pháp phản lại kiên quyết. Chỉ trong một số tháng ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã cho ra đời hàng loạt pháo và đạn chống tăng có khả năng xuyên thủng bọc thép của Tigr” Đến mùa hè năm 1943 ngoài mặt trận đã xuất hiện pháo 57 ly với tốc độ ban đầu của đạn gần 1.000m/s, cũng như lựu đạn chống tăng RPG-43. Với vũ khí này có thể chống lại có hiệu quả cuộc tấn công bằng xe bọc thép của kẻ thù. Và những sự kiện tiếp theo ở vòng cung Kurxk đã chứng thực điều đó. Không cần phải giải thích biết bao nhiêu sinh mạng binh lính Xô Viết được cứu sống nhờ thông tin quí giá được chuyển về từ London.

Trong suốt mấy năm cho đến mùa xuân năm 1944, cụm tình báo London thường xuyên thông tin cho Moscow về tình huống mở mặt trận thứ hai và về hành vi của đồng minh, mà như đã biết, không chân thành đối với Liê Xô. Thông tin mật nhận được qua các kênh tình báo được Stalin sử dụng tại hội nghị Teheran năm 1943, ở đó vấn đề mở mặt trận thứ hai trở thành chủ yếu trong chương trình nghị sự.

Khi thảo luận với Stalin về đề tài này, Churchill- vẫn như những lần trước đó- lại đưa cuộc đối thoại sang việc đổ bộ của quân đồng minh ở Normandi và đòi hỏi Liên Xô- đó là sự thoả mãn quá đắt và đòi hỏi cố gắng hết sức. Ông cho rằng bắt đầu các chiến dịch quân sự qui mô toàn diện ở Địa Trung Hải quan trọng hơn rất nhiều và cố thuyết phục Stalin về điều đó. Trong quá trình đàm phán, thủ tướng Anh nói nhiều về các tính toán kỹ thuật, về trọng tải của các tàu cần thiết cho cuộc đổ bộ và những khó khăn mà nước Anh không gánh nổi.

Mọi thứ có vẻ rất thuyết phục. Tuy nhiên, Stalin đã nhận được thông tin từ London qua các kênh tình báo, đã biết rõ tình hình công việc thực tế và những ý đồ thực sự của các đồng minh. Các tài liệu mật mà cụm tình báo London đều đặn cung cấp cho Moscow chứng minh rằng việc chậm trễ mở mặt trận thứ hai gây ra nhiều khó khăn không khách quan, mà là ý đồ từ trước của Anh và Mỹ trì hoãn thời điểm tham chiến của mình ở lục địa châu Âu. Biết được điều đó, trong thời gian đàm phán ở Tehran, Stalin đã biết gạt bỏ mọi phản bác của đồng minh và lấy được lời hứa của họ: mở mặt trận thứ hai không được muộn hơn tháng 6/1944. Và đồng minh đã giữ lời hứa: trong tháng 6/1944 cuộc đổ bộ của quân Anh - Mỹ đã bắt đầu ở Normandi, nó đi vào lịch sử như là chiến dịch Overlord.

Vào cuối chiến tranh đồng minh tích cực thăm dò khả năng đàm phán riêng rẽ với bè lũ quốc xã, thậm chí còn áp dụng những phương sách cụ thể ở hướng này. Người đầu tiên biết điều này là thành viên của “bộ ngũ Cambridge” Entony Blunt - thời gian đó đang làm việc trong ngành phản gián MI-5 của Anh (Military Intelligence, Section 5). Chính ông đã may mắn khai thác được thông tin về việc: ở Berne, trong hoàn cảnh bí mật nghiêm ngặt nhất, đã bắt đầu các cuộc đàm phán giữa viên tướng SS Volph và đại diện tình báo Mỹ Dalles. Thực chất các cuộc đàm phán được tóm tắt thế này: Dalles đã hứa rằng Anh và Mỹ sẽ chấm dứt mọi hành động quân sự chống phát xít Đức. Còn tướng Volph, hành động thay mặt Himmler, đổi lại sẽ đảm bảo rằng đế chế sẽ tập trung mọi nỗ lực của mình chỉ để chống lại Hồng quân. Như vậy, ở phía Đông sức kháng cự của quân đội phát xít Đức mới tăng lên.

Thông tin về cuộc đàm phán ngay lập tức được báo cáo cho Stalin. Người đứng đầu Liên Xô đòi Churchill và Roosevelt lời giải thích chính thức. Người Anglo-Saxon hiểu rằng cuộc phiêu lưu Berne đã thất bại và buộc phải từ chối các hợp đồng riêng rẽ với Đức phát xít.

Câu chuyện này chính là cốt chuyện của đề tài bộ phim truyền hình nổi tiếng của Liên Xô “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”. Nguyên mẫu của nhân vật Shtirlits trong phim chính là cụm trưởng tình báo London của tình báo Xô Viết Boris Kreshin – người đã chuyển về Moscow thông tin của điệp viên của mình về những kẻ âm mưu ở Berne.

Theo Tuyệt mật