Trước khi bị hành quyết, Trùm KGB Beria thừa nhận có quan hệ với nhiều phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Tôi thừa nhận đã có các mối quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ. Mong toà xem xét đến những công lao đóng góp trước đây của tôi và thể hiện sự khoan hồng” - Lavrenty Pavlovich Beria
Trùm KGB Beria (Ảnh Tư liệu)
Trùm KGB Beria (Ảnh Tư liệu)

Ngày 23/12/1953 theo phán quyết của toà, Beria đã bị xử bắn. Ông ta sống lâu hơn Stalin có hơn 9 tháng, mặc dù bộ trưởng nội vụ được coi là người được kỳ vọng có thể nhất cho vị trí của lãnh tụ mới qua đời. Ông ta có đủ những phẩm chất cho điều đó: thông minh bẩm sinh, lanh lợi, giàu kinh nghiệm hoạt động đảng và làm việc trong các ngành đặc biệt.

Những công lao của Beria trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, cũng như áp dụng đường lối tự do cho xã hội Xô Viết được ghi nhận. Ông ta có vũ khí bí mật để chống lại các đối thủ cạnh tranh: trong hồ sơ lưu trữ mà ông ta được tiếp cận trực tiếp có những bằng chứng về Khrusev, Malencov và những nhân vật đứng đầu khác của quốc gia, bằng cách này hay cách khác có tham gia vào cuộc Đại khủng bố trong những năm 1930.

Chính sự căm thù đối với Beria đã liên kết tất cả các đối thủ cạnh tranh của ông ta, đang đấu tranh giành quyền đứng đầu Liên Xô sau cái chết của Stalin. Bộ trưởng nội vụ Beria, vì thế, đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến giành quyền lực ở Liên Xô.

Beria sinh năm 1899 ở tỉnh Cutais. Lớn lên ông tham gia nhóm của những người Mac xít, gia nhập đảng (bôn sê vich), tham gia tích cực vào các sự kiện cách mạng và thiết lập Xô Viết ở Grudia và Azerbaijan. Năm 1938 ông trở thành phó dân uỷ thứ nhất nội vụ Liên Xô, năm sau đã lãnh đạo bộ này.

Từ thời điểm đó quyền lực và ảnh hưởng của Beria không ngừng lớn mạnh. Chúng đạt tới đỉnh điểm trong thời gian chiến tranh vệ quốc vĩ đại, khi Beria được uỷ nhiệm chính thức việc phòng thủ Cavcaz khỏi quân Đức, cũng như sản xuất máy bay và kỹ thuật tên lửa.

Sau chiến tranh vệ quốc Beria được phong hàm nguyên soái Liên Xô và chính thức bước vào nhóm gần gũi nhất với Stalin, mà mọi vấn đề có ý nghĩa quốc gia đều được giải quyết tại đó. Đến năm 1952 Beria thậm chí còn được quyền thay thế Stalin tại các cuôc họp, khi sức khoẻ của lãnh tụ xấu đi nhanh chóng.

Cái kết bi thảm của ông Trùm KGB L. Beria (Ảnh Tư liệu)

Cái kết bi thảm của ông Trùm KGB L. Beria (Ảnh Tư liệu)

Beria có chờ mong cái chết của Stalin hay không? Nhà sử học Vladislav Zuboc cho rằng: nếu như Stalin không chết, kịch bản thanh trừng mới, trong đó có thể hàng loạt cán bộ đảng đầy tự tôn (trong đó có thể cả Beria) trở thành nạn nhân là hoàn toàn có thể.

Đang tồn tại giả thuyết cho đề tài: nếu người đứng đầu bộ nội vụ không đích thân sát hại Stalin, thì rõ ràng đã thúc đẩy nhanh cái chết của vị lãnh tụ này. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật, bởi nhiều nhà hoạt động Xô Viết đã có được kỹ năng bảo mật từ thời kỳ đấu tranh bí mật với chủ nghĩa Sa hoàng.

Sự sụp đổ của Beria còn nhanh chóng hơn, khi ông ta thăng hoa trên nấc thang danh vọng. Ngày 26/6/1953 Beria bị bắt bởi một nhóm quân nhân, đứng đầu là Zhucov, ngay tại cuộc họp Hội đồng bộ trưởng. Khrusev và Malencov - những người tổ chức âm mưu này - đã mượn tay nguời khác để làm công việc đen tối.

Để đảm bảo an toàn cho chiến dịch bẩn thỉu này người ta đã đưa xe tăng về Moscow, gần 300 xe tăng của các sư đoàn Cantemirovski và Tamanski đã chiếm những điểm chiến lược của thủ đô.

Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra lặng lẽ và người dân thủ đô không hề hay biết về việc Beria bị bắt giữ. Sau khi bị bắt, Beria bị giữ trong hầm trú ẩn của quân khu Moscow. Ngoài Beria, có 6 nhân viên gần gũi nhất mà người ta gọi là “băng nhóm Beria” cũng bị bắt.

Họ bị cáo buộc phản bội tổ quốc và hoạt động phá hoại có lợi cho tư bản nước ngoài. Khắp Liên Xô đã diễn ra các cuộc mít tinh của người lao động, ở đó họ thể hiện lòng biết ơn đảng, chính phủ vì đã "kịp thời vạch mặt những kẻ phản bội tổ quốc”, như báo chí lúc đó viết. Đã có những lời kêu gọi áp dụng mức hình phạt cao nhất.

Sau khi toà đọc các cáo buộc, trong đó ngoài các hành vi phản bội tổ quốc và làm việc cho chính phủ tư sản của Cộng hoà dân chủ Azerbaijan, còn nhắc đến “việc chung sống với nhiều phụ nữ ngoài hôn nhân”, Beria đã nói lời cuối cùng.

Ông bác bỏ mọi lời cáo buộc, ngoài một điều: đã phục vụ trong ngành phản gián của những người theo chủ nghĩa dân tộc Azerbaijan, nhưng không làm gì có hại cho việc thiết lập chính quyền Xô Viết trong khu vực. Beria cũng hoàn toàn thừa nhận sự suy thoái đạo đức của mình và có những quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân.

“Khi thừa nhận tội lỗi của mình, tôi phải chịu trách nhiệm về sự thái quá và làm lệch lạc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong những năm 1937-1938, đề nghị toà xem xét rằng, trong đó tôi không có mục đích tư lợi hay thù địch gì.

Nguyên nhân các tội lỗi của tôi là do hoàn cảnh lúc bấy giờ. Tôi thừa nhận đã có các mối quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ. Mong toà xem xét đến những công lao đóng góp trước đây của tôi và thể hiện sự khoan hồng”. Nhưng những lời cuối cùng này cũng không giúp ông ta thoát khỏi mức hình phạt cao nhất.